Thursday, 23:03 12/03/2020
Phát triển nông nghiệp trong thời Covid-19: Nhận diện rõ thách thức, biến nguy thành cơ hội
Kinhtedothi - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
Hạn chế thách thức, duy trì đà tăng trưởng khá
Năm 2019, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, tác động của biến đổi khí hậu..., tuy nhiên ngành nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 2,01%. Lâm nghiệp tăng 4,98% và thủy sản tăng 6,3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD. Sản lượng lương thực có hạt đạt 48,2 triệu tấn; trong đó sản lượng lúa ước tính đạt 43,45 triệu tấn; sản lượng ngô đạt 4,76 triệu tấn.
Bước sang năm 2020, cả nước gieo cấy đạt khoảng 3,01 triệu ha lúa Đông Xuân, sản lượng ước đạt 20,3 triệu tấn; gieo trồng được 185,3 nghìn ha ngô, tăng nhẹ so cùng kỳ. Thời điểm này, 98% số xã trên địa bàn cả nước đã hết dịch tả lợn châu Phi và đang tăng tốc tái đàn. Mặc dù chịu tác động khá mạnh bởi dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt 5,34 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 4,3 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thặng dư thương mại 2 tháng đạt 1,02 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, ngành nông nghiệp phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019. Đối với ngành chăn nuôi tập trung phát triển ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019. Cụ thể: Sản lượng thịt lợn ước đạt 3,95 triệu tấn, tăng 19,97% so với năm 2019, thịt gia cầm ước đạt 1,42 triệu tấn, tăng 11,0%; thịt trâu đạt 98,5 nghìn tấn, tăng 3,6%; thịt bò ước đạt 365,3 nghìn tấn, tăng 4,6%; sữa đạt 1,15 triệu tấn, tăng 11,4%; trứng đạt 14,6 tỷ quả, tăng 9,6%.
Tại Hà Nội, sau khi phát hiện ca nhiễm Covid -19 (bệnh nhân thứ 17) đầu tiên, người dân một số địa bàn TP do lo ngại bị phong toả, hạn chế đi lại nên đã đổ xô đi chợ, siêu thị tích trữ lương thực, thực phẩm, đặc biệt là ngày 7-8/3. Các mặt hàng được người dân mua dự trữ nhiều nhất là gạo, dầu ăn, mì ăn liền, giấy vệ sinh..., do đó giá gạo tăng từ 2.000-3.000 đ/kg; giá thịt lợn hơi đạt tới 86.000 -89.000 đồng/kg (trước đó phổ biến từ 80.000-84.000đồng/kg), tại chợ dân sinh giá các loại thịt xẻ đã tăng lên tới 200.000-280.000 đồng/kg (tuỳ loại). Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và TP về việc đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa và khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ, từ 9/3 đến nay, hoạt động tại các chợ dân sinh đã trở lại bình thường, không còn tình trạng người dân đi mua gom hàng nên giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm đã bình ổn trở lại.
Phát hiện sớm nguy cơ để chủ động ứng phó
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, là cứu cánh của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Hiện tại, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với 3 thách thức, đầu tiên là đại dịch Covid-19, cùng với đó đang phải chịu tác động của biến đổi khí hậu và dịch bệnh hoành hành. Do đó, chúng ta phải thực hiện đồng bộ giải pháp, phấn đấu đạt mục tiêu kép bao gồm: Phát triển sản xuất, đảm bảo xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội. “Trước tình hình hiện nay, để đạt được 3 mục tiêu này rất khó, nhưng hoàn toàn có cơ sở hoàn thành nếu chúng ta đồng lòng” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, dịch Covid-19 có khả năng ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là mặt hàng vải thiều. Thời điểm này, ngoài tập trung phát triển sản xuất, tỉnh đã chủ động chỉ đạo sản xuất dải vụ thu hoạch vải thiều trong thời gian 2 tháng. Bên cạnh đó, tập huấn nông dân sản xuất an toàn, xúc tiến tiêu thụ trong nước, quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu mới như Nhật, Thái... Song song với đó, vẫn duy trì 149 mã vùng trồng an toàn, để sau khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ không bị gián đoạn nguồn hàng xuất sang thị trường Trung Quốc.
Đại diện khối DN, ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dabaco cho rằng, để ổn định thị trường, cần tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho người tiêu dùng. Sau bài học từ dịch tả lợn châu Phi, cần phải tập trung chế biến và bảo quản nông sản. Ông Thảo kiến nghị, Bộ NN&PTNTT tiếp tục là cầu nối để sản phẩm của DN đến người tiêu dùng nhiều hơn. Đồng thời mong muốn Chính phủ có các chính sách khả thi hỗ trợ DN trong khâu giống để có nguồn giống chất lượng cao. Chính phủ cũng cần giám sát chặt chẽ hoạt động nhập lậu nông sản vào Việt Nam để tránh lây lan dịch và bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trước tình hình hiện nay, chúng ta phải nhận diện rõ các nguy cơ thách thức để có phương án ứng phó, chỉ đạo tập trung đồng bộ, xác định vai trò của người đứng đầu, sáng tạo phương châm 4 tại chỗ. Cùng với đó, phát hiện ra những lợi thế để biến nguy thành cơ, khai thác tất cả những cơ hội mới xuất hiện. Trong thời gian tới, toàn ngành nông nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các DN. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy lợi thế vùng, trên cơ sở tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và cây ăn quả. Đối với ngành chăn nuôi, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các DN chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước. Về thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu để đạt mục tiêu đề ra, cần chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị 17 DN chăn nuôi đầu ngành sớm đưa giá lợn thịt về mức 70.000 đồng/kg.