Wednesday, 20:12 28/09/2016
Quận Thanh Xuân cấp sổ đỏ đạt 98%
Kinhtedothi - “Đến nay, các thửa đất đủ điều kiện UBND quận Thanh Xuân đã cấp sổ đỏ đạt được 98% với 31.850 thửa”.
Phó Bí thư Quận ủy - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết tại Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016, diễn ra ngày 28/9.
Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, về quán triệt Chỉ thị 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Thành ủy và Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 15/9/2016 của Thành uỷ, quận Thanh Xuân xác định đây là 2 văn kiện quan trọng có ý nghĩa ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống Nhân dân cũng như quá trình điều hành thực hiện của cấp quận, huyện, xã, phường từ nay đến giữa năm và cuối năm 2017.
Chính vì vậy, Quận ủy Thanh Xuân đã triển khai khẩn trương. Trước đó, chiều 27/9, Quận uỷ Thanh Xuân đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt quận triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác, quán triệt 2 nội dung quan trọng này.
7.674 thửa chưa cấp sổ đỏ
Về nội dung liên quan đến chỉ thị 09-CT/TU, đây là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm 2016, quận đã tiến hành rà soát. Đến thời điểm này các thửa đất đủ điều kiện UBND quận đã cấp sổ đỏ đạt được 98% (31.850 thửa). Khoảng 7.674 thửa chưa được cấp sổ đỏ (trong đó có 927 thửa chưa kê khai), 6.747 thửa đã kê khai nhưng đối chiếu với quy định hiện hành chưa đủ điều kiện cấp sổ đỏ liên quan đến các diện tích đất do: Cấp đất trái thẩm quyền, chia đất sai quy hoạch, đất nằm trong các khu vực đã có quyết định thu hồi đất…
Để giải quyết vấn đề này, Ban thường vụ Quận ủy chỉ đạo UBND quận xây dựng kế hoạch với từng khu vực rõ tiến độ đảm bảo đến tháng 6/2017 cơ bản xóa bỏ các khu đất không được quản lý hoặc đủ điều kiện mà không được cấp sổ đỏ. Quận xác định quyết tâm 38 tuần cao điểm để giải quyết xong vấn đề này với các ô đất chưa kê khai cần tuyên truyền vận động kê khai; với những khu vực vướng mắc cần tập trung giải quyết; trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền báo cáo TP, Tổ công tác liên ngành; với các khu vực đất công, đất nông nghiệp cần tiến hành đo đạc, khoanh vùng chống lấn chiếm.
Giải pháp mà quận đề ra, đó là tập trung tuyên truyền từ nay đến cuối năm 2016, để công dân nhận thức đầy đủ, hợp tác và kê khai với cán bộ phường, quận. Giải quyết cuốn chiếu: tập trung các cán bộ có năng lực để điều động, biệt phái đến từng phường để giải quyết vấn đề; lấy kinh nghiệm từng phường, từng khu vực để nhân rộng giải quyết các phường. Hàng tuần, UBND quận xây dựng biểu công việc cần làm với từng thửa đất với từng nhiệm vụ cụ thể, phân công cán bộ phụ trách để giải quyết vấn đề này.
Lãnh đạo quận Thanh Xuân cũng kiến nghị Sở Tài nguyên & Môi trường - Cơ quan thường trực của TP, chủ trì thành lập bộ phận thường trực, ứng trực để giải quyết những vướng mắc, giải đáp vấn đề cụ thể cho các quận, huyện, phường, xã và công dân. Sớm chỉnh sửa Quyết định 37 giải quyết thủ tục hành chính về cấp sổ đỏ lần đầu, hiện nay qua 2 bước: Văn phòng Đăng kí đất đai tiếp nhận, Phòng TNMT thẩm định, UBND cấp quận ký; nên điều chỉnh giao Phòng TNMT tiếp nhận, thẩm định trình UBND quận ký. Đồng thời, công khai trên báo của Hà Nội các nội dung đã được tháo gỡ để các quận, huyện khác và công dân nghiên cứu, áp dụng chung.
Giao đất GPMB sẽ có cơ chế thưởng
Về công tác GPMB trên địa bàn quận Thanh Xuân, đây là nội dung quan trọng, trong đó có những điểm mới: Cho công dân nhận nhà hoặc tiền: giải quyết được nhiều vấn đề khó, tồn tại hiện nay như thiếu nhà tái định cư, việc quản lý nhà tái định cư, còn nhiều bất cập, có chất lượng mô hình quản lý khác nhau. Đồng thời, tạo quỹ đất sạch.
Quận Thanh Xuân cũng kiến nghị giao thẩm quyền cấp quận quyết định áp dụng các chính sách đã được TP chấp thuận tương ứng để giải quyết, không phải trình lại TP xem xét. Cấp hoặc điều chỉnh sổ đỏ, cấp phép ngay cho người dân với những diện tích còn lại khi bàn giao mặt bằng để giảm bớt thủ tục hành chính cho công dân và công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng. Sau khi phê duyệt phương án xong cần có chế tài: khi bàn giao đất GPMB thì có cơ chế thưởng; khi không bàn giao phải có cơ chế phạt; sau 3 lần phạt thì tổ chức cưỡng chế.