Quảng Bình: Buông câu “săn” mực đêm trên biển Nhật Lệ
Kinhtedothi - Những ngày đầu tháng 4, dưới thời tiết oi nồng, chúng tôi may mắn được cùng ngư dân đi “săn” mực đêm trên biển Nhật Lệ, tự tay câu lên những con mực đang ra sức vùng vẫy, ngắm vẻ đẹp của TP lên đèn.
Dong thuyền buông câu
Hoàng hôn dần buông, cũng là lúc chiếc thuyền 350CV của chị Hoàng Thị Sửu (xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) nổ máy hướng về phía biển, khởi hành chuyến đi “săn” mực đêm. “Đồ nghề” mang theo đơn giản chỉ có một số cần câu được làm bằng tre dài khoảng 1m, mồi là những con tôm bằng nhựa phản quang có gắn lưỡi câu, vợt xúc mực và một ít trang thiết bị cần thiết cho chuyến đi biển.
Thuyền được trang bị hai bên mạn hệ thống đèn chiếu sáng để “nhử” mực cắn câu. Cùng với đó là những chiếc áo phao được trang bị đủ cho các thành viên trên tàu bảo đảm an toàn khi không may gặp sự cố.
Chuyến đi lần này thuyền có 9 người, phần lớn là ngư dân rắn rỏi của xã Bảo Ninh với hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề. Trên đường đến các điểm câu, con tàu nhẹ lướt trên mặt nước, dập dềnh theo từng cơn sóng như đưa chúng tôi lạc vào “tiên cảnh” hoàng hôn trên biển.
Ngồi bên mạn thuyền ngắm màn đêm bất đầu phủ bóng, ngư dân Nguyễn Văn Minh (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) cho biết, cứ vào khoảng 17 giờ chiều hàng ngày, sau khi ăn cơm xong anh cùng các “đồng nghiệp” lại chuẩn bị đồ nghề và bắt đầu ra khơi câu mực. Điểm buông câu thường cách bờ khoảng 3 - 5km. Công việc này bắt đầu từ tối cho đến khi mặt trời sắp mọc thì quay về.
"Nghề câu mực đêm đã gắn bó với tôi gần 30 năm rồi. Đây là công việc rất vất vả, để câu được nhiều mực phải thức trắng đêm. Sau mỗi chuyến tôi thường câu được 3 - 5 kg mực, trừ đi chi phí cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình", ngư dân Nguyễn Văn Minh nói.
Sau một khoảng thời gian ra khơi, ở vị trí cách bờ khoảng 1,5 hải lý, thuyền bung dù, tắt máy thả lênh đênh trên biển để chuẩn bị ‘săn” mực. Lúc này, máy phát điện trên thuyền được các ngư dân bật lên, 4 bóng đèn với công suất 1.000W bố trí ở mạn tàu bừng sáng cả một vùng biển.
Màn đêm phủ bóng, phố lên đèn cũng là lúc để trải nghiệm những giây phút thư giãn, thú vị với hoạt động câu mực đêm. Những ngư dân trên thuyền bắt đầu móc mồi, người nào cần đó, ngồi thả câu chờ mực đến. Chỉ trong 30 phút, những ngư dân với kinh nghiệm hàng chục năm đã giật lên thuyền hàng chục con mực, tiếng cười nói hào sảng của ngư dân khiến không khí rộn ràng cả một vùng biển.
Ngư dân Trần Văn Dương (ở xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) cho biết, ông đã có gần 50 năm kinh nghiệm đi biển, từ nghề chài lưới rồi đi đánh cá hàng tháng trời ngoài khơi xa và nay chuyển qua câu mực đêm. "Nhìn con nước là tôi biết chỗ nào có mực. Một đêm tôi câu được khoảng 5 kg, giá dao động từ 270.000 - 300.000 đồng, giúp tôi có nguồn thu nhập khá cao", ngư dân Trần Văn Dương nói.
Trải nghiệm chuyến “săn” mực đêm trên biển
Để tự tay bắt lên những con mực giữa biển khơi, chúng tôi cũng buông câu theo sự hướng dẫn tần tình bằng những kinh nghiệm lâu năm của các thuyền viên. Sau hơn 5 phút thả câu, dưới ánh sáng của hệ thống đèn cao áp, chúng tôi được tận mắt chứng kiến đàn mực bị thu hút ùa đến, tung tăng bơi theo con mồi.
Theo kinh nghiệm tiết lộ từ các ngư dân, để “săn” được nhiều người “thợ” phải khéo léo để đàn mực “quây quần” bên con mồi. Có hai cách để có thể bắt được mực, một là chờ đợi cho nó cắn câu, cách thứ hai nhanh hơn là dùng vợt, một lúc có thể bắt được hàng chục con.
Được cầm những chiếc cần để câu lên những con mực đang vùng vẫy, chúng tôi cảm nhận nhiều cung bậc cảm xúc thú vị khi trải nghiệm. Cảm giác sung sướng khi câu được con mực đầu tiên, là chút tiếc nuối khi mực nhả mồi và rơi khỏi lưỡi câu, là cảm giác thư thái khi ngắm nhìn thành phố từ phía biển…
Sau hơn 1 giờ đồng hồ buông cần, tàu chúng tôi thu về hơn 2 kg mực tươi. Các ngư dân bắt đầu nghỉ tay vào cuộc chế biến để thưởng thức hương vị trên thuyền. Mực vừa câu lên ăn rất ngon, tiếng sần sật khi cắn trong miệng kèm vị chua, cay, mặn, ngọt từ các gia vị tạo cảm giác sảng khoái và hết sức thú vị.
Ngư dân Trần Văn Dương cho biết: "Nghề câu mực đã có từ nhiều năm nay. Chúng tôi rất muốn làm du lịch cộng đồng với nghề này. Mong chính quyền các cấp sớm hỗ trợ, cấp phép cho hoạt động du lịch này để ngư dân xã Bảo Ninh "xắn tay" vào làm bài bản, đưa nghề truyền thống đến gần hơn với du khách".
Băng tay nghề chế biến của các thuyền viên, những con mực béo ngậy, thơm lừng, mang vị mặn mòi của biển bốc khói nghi ngút làm ai cũng thòm thèm. Sau một lúc chuyện trò và nếm đủ vị từ mực cũng là lúc ngư dân thu dù, trở về bờ.
Trên con thuyền hướng vào bờ, anh Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) trăn trở cho biết: "Ngư dân Bảo Ninh rất muốn có một tổ hợp tác được cấp phép để kết hợp nghề truyền thống câu mực và du lịch trải nghiệm. Để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền cho người dân làm du lịch, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập".
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị nào được cấp phép hoạt động du lịch trải nghiệm câu mực đêm trên biển. Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, tiềm năng mà dịch vụ này mang lại là rất lớn, tuy nhiên, đây là loại hình du lịch hết sức đặc biệt, để có thể đi vào hoạt động cần có những doanh nghiệp, tổ chức đủ năng lực, đảm bảo được các yếu tố an toàn cho du khách.
“Chúng tôi rất mong muốn những đơn vị có nhu cầu khai thác loại hình du lịch này, Sở sẽ tạo điều kiện tối đa, hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục pháp lý để loại hình du lịch này sớm đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ là một sản phẩm mới, đặc biệt, mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách khi đến với Quảng Bình”, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình nói.