Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Quảng Nam tìm lời giải cho bài toán 19.600 căn nhà ở xã hội

Kinhtedothi-Những năm qua, tỉnh Quảng Nam hình thành nhiều khu công nghiệp quy mô lớn với tỷ lệ lao động ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội tại đây vẫn còn hạn chế, đặt ra bài toán nan giải về đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.

Bài toán khó với 19.600 căn nhà ở xã hội

Theo kế hoạch thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Quảng Nam dự kiến xây dựng khoảng 19.600 căn nhà ở xã hội cho công nhân.

Quảng Nam có nhiều cụm công nghiệp phát triển nhưng đang gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Các địa phương đã bố trí quỹ đất phát triển dự án nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Quảng Nam, nhiều chính sách liên quan đến triển khai các dự án này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Một trong những trở ngại lớn là các quy định về tỷ lệ quỹ đất và diện tích căn hộ cho thuê. Việc yêu cầu tất cả các dự án nhà ở thương mại tại đô thị loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội chưa phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, các quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản... khiến rất ít dự án được triển khai từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực.

Ngoài ra, Quảng Nam vẫn còn quỹ đất lớn với giá đất tương đối thấp. Do đó, người dân thường thích sở hữu đất nền hơn là căn hộ chung cư, dẫn đến nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội chưa cao.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, Quảng Nam hiện mới có 4 dự án đang triển khai nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Dự án nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp Tam Thăng của Công ty Panko vẫn chưa lấp đầy số căn hộ. Trong khi đó, dự án tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư nông nghiệp, nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO lại phải tạm dừng do thanh tra, kiểm tra.

Đối với 2 dự án của Công ty TNHH Bất động sản châu Âu (khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc) và Công ty Cổ phần Danatol (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) vẫn chưa có nhiều tín hiệu tích cực về công tác triển khai thi công.

Một vài dự án đã và đang triển khai nhưng vướng về mặt pháp lý, thủ tục hành chính.

Dồn lực tìm lời giải

Tháng 12 vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn đến năm 2030 với nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 416 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.

Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai; tạo quỹ đất sạch để chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Kinh phí hỗ trợ được xem xét hỗ trợ sau khi thực hiện thủ tục quyết toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định. Hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, bao gồm dự án có phân kỳ đầu tư đã được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Quảng Nam còn hỗ trợ 100% phí, lệ phí thực hiện thủ tục đầu tư, gồm phí thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án; thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi…

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thủ tục có liên quan đến nhà ở xã hội để đảm bảo công khai, minh bạch. Trong đó thủ tục hành chính về giao đất, GPMB, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội phải rút gọn, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch để xúc tiến triển khai thực hiện.

Đối với Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh cần xúc tiến, đẩy nhanh việc đầu tư các dự án trên các quỹ đất hiện có. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân, thiết chế công đoàn.

UBND các huyện thực hiện phân loại danh mục, quỹ đất thuận lợi, dễ triển khai để thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng; đề xuất sử dụng tiền thu được từ quỹ đất 20% cho GPMB tạo quỹ đất sạch phát triển nhà ở xã hội, hoặc đề xuất vốn ngân sách để thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thừa nhận công tác xây dựng các dự án nhà ở xã hội còn rất chậm dù được quan tâm trong nhiều năm qua. Một vài dự án đã và đang được triển khai nhưng vướng nhiều đến thủ tục hành chính, quy định pháp luật. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội.

Mới đây, Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội để đẩy mạnh công tác phát triển nhà ở xã hội; xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2030 theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Giá cho thuê nhà ở xã hội phải hợp lý!

Giá cho thuê nhà ở xã hội phải hợp lý!

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tổng Công ty UDIC: nhiều khởi sắc sau một năm đầy khó khăn

Tổng Công ty UDIC: nhiều khởi sắc sau một năm đầy khó khăn

09/01/2025 | 16:26

Kinhtedothi - Sáng 9/1/2025, Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Dương Đức Tuấn, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP dự và chỉ đạo hội nghị.

Nguồn cung nhà ở sẽ được cải thiện trong thời gian tới

Nguồn cung nhà ở sẽ được cải thiện trong thời gian tới

08/01/2025 | 16:34

Kinhtedothi – Năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS) đã được đẩy mạnh, giúp thị trường từng bước phục hồi và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Tin tài trợ