Thursday, 01:02 18/06/2020
Quảng Ngãi phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19
Kinhtedothi - Do tác động của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi bị ảnh hưởng nặng. Hiện Quảng Ngãi đang nỗ lực tập trung thực hiện hai nhiệm vụ song hành là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều khó khăn...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong 5 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 52.151,5 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng ước đạt 21.104 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở khu kinh tế Dung Quất. |
Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 502,7 triệu USD, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,3% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 907 triệu USD, tăng 225,4% so với cùng kỳ năm trước, bằng 73,2% kế hoạch năm. Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 5 tháng đầu năm ước đạt 1.552,1 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019.
Từ đầu năm đến ngày 20/5/2020, có 1 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 20 triệu USD. Lũy kế đến ngày 20/5/2020, toàn tỉnh có 64 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.874,63 triệu USD.
Từ đầu năm đến ngày 20/5/2020, toàn tỉnh có 44 dự án đầu tư trong nước được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.592 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 671 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 296.941 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Covid-19 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với tỉnh Quảng Ngãi. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 5 tháng đầu năm là 345 doanh nghiệp, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019; tổng vốn đăng ký khoản 1.059 tỷ đồng, giảm 57%. Từ đầu năm đến nay, có 98 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 242 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 56 doanh nghiệp đã giải thể.
Điều đáng lo ngại, từ đầu tháng 4 đến nay, một số doanh nghiệp tạm thời cho nghỉ việc gần 4.460 lao động và hơn 1.400 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, số lượng lớn lao động, chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án dẫn đến hoạt động của các nhà máy sản xuất bị ngưng trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Trần Ngọc Căng- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục tiêu vừa thực hiện các biện pháp chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân và an sinh xã hội.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành liên quan một số cơ chế, chính sách, giải pháp như: Hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, doanh nghiệp... Chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài Trung Quốc để tiêu thụ các mặt hàng này, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường; chủ động, can thiệp vào hệ thống các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp logistics, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ… hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân; khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Ông Võ Đình Trà - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất sau đại dịch Covid-19. Do đó đây là đối tượng cần phải được ưu tiên quan tâm hỗ trợ.
Theo ông Trà, Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh các cơ chế tập trung hỗ trợ cho chuỗi chế biến xuất khẩu để tiêu thụ nông sản cho nông dân, vừa giúp doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện hoạt động trở lại, cũng như tập trung hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu trong nước khi thị trường thế giới vẫn chưa sẵn sàng mở cửa trở lại để nhập thiết bị, máy móc.
Hiên tại, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng thông qua các gói chính sách áp dụng các biện pháp hỗ trợ khác như miễn tiền thuê đất, cho vay trả nợ lương công nhân, giãn và miễn thuế...
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tổng số người thuộc đối tượng hỗ trợ là 365.439 người, với kinh phí dự kiến trên 382 tỷ đồng,. Đối với các đối tượng chưa được phê duyệt, sẽ tiếp tục rà soát, thẩm định và sớm phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ để kịp chi trả cho các đối tượng theo quy định.