Quảng Trị: Sẽ "thưởng" cho người dân bàn giao mặt bằng sớm để làm cao tốc
Kinhtedothi - Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nêu quan điểm: phải bồi thường thỏa đáng cũng như có chính sách, cơ chế tốt nhất để người dân sớm ổn định cuộc sống sau khi bàn giao mặt bằng.
Giao việc "tận tay" cho cấp chính quyền
Dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh có tổng chiều dài 65,7 km. Điểm đầu tại Km 675+400, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình); điểm cuối tại Km 740+884,43, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị có chiều dài 32,53 km. Cụ thể, đoạn qua huyện Vĩnh Linh tuyến chính dài 14,25 km; huyện Gio Linh 11,9 km; huyện Cam Lộ 6,38 km. Quy mô giai đoạn hoàn thiện có nền đường rộng 32,25m theo quy hoạch tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh; vận tốc thiết kế 100 km/h.
Theo thống kê, số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án khoảng 464 hộ, trong đó có 217 hộ bị ảnh hưởng toàn bộ (nhà ở, đất sản xuất). Kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) địa phận tỉnh Quảng Trị dự kiến 948 tỷ đồng.
Ngay từ đầu, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động, khẩn trương thực hiện ngay công tác GPMB dự án.
Đặc biệt, để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo, đôn đốc công tác GPMB cụ thể từng các địa phương. Trong đó, giao Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chỉ đạo, đôn đốc công tác GPMB huyện Vĩnh Linh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chỉ đạo, đôn đốc công tác GPMB huyện Gio Linh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chỉ đạo, đôn đốc công tác GPMB huyện Cam Lộ.
Đến thời điểm hiện nay, theo Ban Chỉ đạo GPMB cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua trên địa bàn đã hoàn thành việc kiểm kê cây cối, hoa màu và tài sản trên đất. Công tác đo đạc địa chính đã đạt 32,53km/32,53km, đạt 100% khối lượng. Tuy nhiên, công tác bàn giao mặt bằng mới đạt 9,4km/32,53km (đạt 28,9%) do một số vướng mắc đang được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ.
Các địa phương phấn đấu đến 31/12/2022 sẽ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng khoảng 24,8/32,53km - đạt 76,2% (trong đó huyện Vĩnh Linh 11km, đạt 77,2%; huyện Gio Linh 8,7km, đạt 73,1%; huyện Cam Lộ 5,1km, đạt 79,9%).
Đồng thời, công tác giải ngân nguồn vốn dự kiến đạt khoảng 156,1/194 tỷ đồng đạt 80,5%; (trong đó huyện Vĩnh Linh: 60/70 tỷ đồng, đạt 85,7%; huyện Gio Linh: 36,1/53 tỷ đồng, đạt 68,1%; huyện Cam Lộ: 60/68 tỷ đồng, đạt 88,2%).
Sẽ xin cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ người dân
Tại huyện Vĩnh Linh, nơi có đoạn tuyến cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đi qua dài nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (14,25km) và liên quan đến nhiều tài sản của người dân. Ngay từ đầu, huyện Vĩnh Linh đã tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc để GPMB. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Đến thời điểm này, huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan áp giá, công khai phương án đền bù cũng như chính sách hỗ trợ cho người dân gương mẫu bàn giao sớm mặt bằng.
Ông Thái Văn Thành - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết: Hội đồng GPMB huyện đã hoàn thiện việc kiểm kê cây cối, hoa màu, tài sản vật kiến trúc trên toàn tuyến và cam kết đến ngày 25/12/2022, huyện tiến hành bàn giao 11,5km, giải ngân hỗ trợ GPMB 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác hỗ trợ, bồi thường GPMB trong quá trình quy chủ đất đai. Một số hộ dân bị ảnh hưởng đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở nhưng không có nhà ở thì không được hỗ trợ 45% giá đất ở của thửa đất đó và không được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mà chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp. Điều đó đã khiến nhiều hộ dân không đồng ý.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Bình, giáp ranh với địa bàn huyện Vĩnh Linh cũng cao hơn, như diện tích đất tái định cư tại Quảng Bình 550m2, tại Quảng Trị 300m2. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề 5 lần trong khi Quảng Trị hỗ trợ 3 lần.
“Điều đó, khiến người dân có sự so sánh, băn khoăn. Mục tiêu chung GPMB xây dựng đường cao tốc phục vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng thì người dân trên địa bàn đều ủng hộ dù vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết. Thế nên, đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ thêm đúng với thực tế mà người dân bị ảnh hưởng nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống” - ông Thành cho biết.
Sau khi kiểm tra thực tế và nắm bắt tình hình cũng như một số khó khăn vướng mắc, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng ghi nhận, biểu dương tiến độ thực hiện công tác GPMB đoạn qua địa bàn huyện Vĩnh Linh. Đặc biệt, công tác tuyên truyền đã tạo nên sự đồng thuận của người dân.
Đối với kiến nghị của Hội đồng GPMB huyện, UBND tỉnh sẽ có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung lực lượng triển khai sớm theo kế hoạch đã đề ra. Đối với những vấn đề khác, UBND tỉnh giao Sở TN&MT, Văn phòng UBND tỉnh rà soát quy định hiện hành, kiến nghị Trung ương có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho người dân.
“Quan điểm thực hiện là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, bồi thường thỏa đáng cũng như có chính sách, cơ chế tốt nhất để cho người dân, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn sớm ổn định, nâng cao cuộc sống sau khi bàn giao mặt bằng cho dự án” - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Quảng Trị: Nhiều dự án điện gió thi công cầm chừng vì gặp khó
Kinhtedothi- Việc phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện đang gặp khó khăn, hạn chế. Một số dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân về công tác giải phóng mặt bằng, đại dịch Covid-19 thì còn đến từ cơ chế chính sách.