Rác thải ngổn ngang ở mương Kẻ Khế tái diễn: “Rác ý thức” vẫn chưa vơi
Kinhtedothi - Dù lực lượng chức năng quận Ba Đình đã tổ chức dọn dẹp khu vực xung quanh mương Kẻ Khế sau khi tiếp thu thông tin từ báo chí nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn tái diễn, làm cho không gian sạch sẽ không được duy trì lâu dài.

Theo ghi nhận vào chiều ngày 29/9, hơn một tháng sau khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương, mặc dù không còn bãi rác lớn, nhưng dọc theo bờ mương Kẻ Khế vẫn dễ dàng bắt gặp những đống rác to nhỏ.
Người dân sống quanh khu vực cho biết, mặc dù các lực lượng vệ sinh môi trường đã dọn dẹp sạch sẽ, nhưng sau đó lại có người lén lút vứt rác, xả thải. Điều này, khiến khu vực bờ mương vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước mương đen đặc, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sức khoẻ của các hộ dân nơi đây.

“Vào những ngày nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc phải đóng kín cửa để ngăn mùi hôi và tránh ruồi muỗi, còn vào ngày mưa, nước mương dâng cao, tràn vào nhà, vô cùng ô nhiễm” - bà Nguyễn Thị Tám (57 tuổi, sống ven mương Kẻ Khế) cho hay.

Đáng lo ngại hơn, không chỉ các hộ dân mà Trường Tiểu học Vạn Phúc thuộc khu vực cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự ô nhiễm của con mương. Nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng cho sức khỏe và môi trường học tập của con em mình khi theo học tại trường. Để giảm mùi hôi thối, người dân thường tự xử lý bằng cách đốt rác nhưng việc này lại tạo ra khói thải gây ô nhiễm không khí.

Được biết, mương Kẻ Khế, dài 1,7km, chảy qua hai phường Đội Cấn và Kim Mã thuộc quận Ba Đình, TP Hà Nội, là tâm điểm của dự án "Cống hóa mương Kẻ Khế", nằm trong tổng thể công trình làm đường Núi Trúc - Tây Sơn.
Dự án này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư lên đến 205 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ cống hóa 1,04km mương, đồng thời xây dựng một tuyến đường giao thông rộng 25m.

Tuy nhiên, do vướng mắc trong việc đền bù và giải phóng mặt bằng, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và đang rơi vào tình trạng dang dở. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến khu vực này trở thành bãi rác tự phát, nhiều hộ dân sống trong cảnh tạm bợ, chờ quy hoạch giải tỏa.

Để giải quyết triệt để, không còn tình trạng tái diễn, bên cạnh tăng cường thường xuyên dọn dẹp, chính quyền địa phương cần có những chính sách từ tuyên truyền đến cảnh cáo, xử phạt để nâng cao ý thức của người dân. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy nhanh tiến độ dự án, để người dân sớm được đảm bảo chất lượng sống.

Hành trình 12 năm nhặt rác quanh hồ Hoàn Kiếm của bà lão U70
Kinhtedothi - Dù đã nghỉ hưu nhưng 12 năm qua, bà Nguyễn Thị Minh Phương (67 tuổi) đã tình nguyện nhặt rác quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm với mong muốn làm sạch và lan tỏa tình yêu môi trường trong cộng đồng.

Phụ nữ Thủ đô chung tay phân loại, xử lý rác thải
Kinhtedothi - Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 và là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sáng 22/9, Hội LHPN TP Hà Nội tổ chức Phát động “Ngày Phụ nữ Thủ đô chung tay phân loại và xử lý rác thải”.

Phân loại rác tại nguồn: các địa phương vẫn kêu khó
Kinhtedothi - Còn hơn 3 tháng nữa là phải thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 nhưng nhiều địa phương vẫn lúng túng trong việc triển khai.