Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Siết quản lý quỹ đất, nhà ở: Không thể chậm trễ

Kinhtedothi - Việc thiếu hụt quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, công trình công cộng lâu nay đã trở thành đề tài… biết rồi khổ lắm, nói mãi. Nghịch lý ở chỗ, dù biết nhưng không ít chủ đầu tư “câu giờ” bàn giao quỹ đất 20%, quỹ nhà 30% cho TP. Từ thực tế đó, mới đây, Hà Nội mạnh mẽ đôn đốc nhanh chóng thu hồi nhiều dự án phát triển nhà ở ngay khi rà soát, phát hiện vi phạm.

 Một khu đất dự án được làm sân bóng đá tại Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: Hải Linh 

Cạn đất cho nhà ở xã hội

Luật Nhà ở 2014 quy định các chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn thực hiện nghiêm việc cắt lại 20% diện tích đất của dự án để xây nhà ở xã hội. Tuy nhiên trên thực tế, quỹ nhà ở xã hội các đô thị lớn luôn trong tình trạng thiếu bởi các chủ đầu tư vẫn không mặn mà thực hiện quy định này, phần lớn đều né tránh vì lợi nhuận đầu tư không cao. Thực tế kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong giai đoạn từ 2002 - 2014 khi hàng loạt các khu đô thị mới được xây dựng tại Hà Nội nhưng rất ít dự án có nhà ở xã hội đi kèm. Có thể kể đến các khu đô thị: The Manor (Mỹ Đình), Văn Phú (Hà Đông), dự án 275 Nguyễn Trãi...

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn, còn lại là các địa phương khác. Do vậy, để tăng quỹ đất nhà ở xã hội, Hà Nội vừa phát đi yêu cầu, trước ngày 30/5, Sở TN&MT cùng Sở Xây dựng, Sở Tài chính rà soát tổng hợp, làm rõ các dự án chủ đầu tư lựa chọn hình thức chuyển giao quỹ nhà ở hoặc nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 20% để có hướng xử lý kịp thời.
Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đã quy định: “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
“Hà Nội có trách nhiệm tạo quỹ đất sạch giao cho DN xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng (hoặc bằng quỹ nhà ở, hoặc tiền với giá trị tương đương) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nếu thực hiện nghiêm túc, TP sẽ tạo được quỹ đất sạch, quỹ nhà ở lớn mà không mất nhiều chi phí. Sẽ phải thu hồi 1 – 2 dự án để DN thấy Hà Nội “nói là làm”, tránh tình trạng DN lòng vòng “câu giờ” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Dừng phương án chuyển nhượng?

Giới chuyên gia quy hoạch – xây dựng đều bày tỏ sự lo lắng khi Hà Nội không còn quỹ đất ở những vị trí thuận lợi để xây dựng nhà ở xã hội cho người dân Thủ đô. Nhà ở cho người nghèo đô thị không thể đẩy quá xa trung tâm. Đồng thời, dự án phải có hạ tầng kỹ thuật, kết nối với xung quanh mới đảm bảo môi trường sống và sự công bằng cho người có thu nhập thấp. Nếu chủ đầu tư làm đúng theo quy định sẽ có nhiều dự án nhà ở xã hội ở trung tâm và được kết nối với hạ tầng có sẵn như khu Giang Biên, Việt Hưng, Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội).

Đồng quan điểm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho hay, các dự án nhà ở thương mại việc dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội còn buông lỏng, triển khai rất chậm và có nhiều vi phạm, cần có giải pháp xử lý nghiêm các dự án còn tồn đọng. “Do vậy, trong thời gian tới các dự án mới cần tập trung vào một phương án duy nhất: Bắt buộc chủ đầu tư nhà ở thương mại phải xây dựng đồng thời với nhà ở xã hội (Giá rẻ: diện tích 25 - 45m2, vật liệu thông thường…) để chủ dự án quản lý đồng bộ toàn dự án (không nên có phương án chuyển lại cho nhà nước xây dựng).
Nhà nước tập trung quản lý quy hoạch, chất lượng và giá thành như: Thông qua hình thức phê duyệt khu vực 20% nhà ở xã hội, hình thức bắt buộc khi bán nhà ở thương mại đồng thời với bán nhà ở xã hội” – vị này nhấn mạnh.
Quy định dự án bất động sản phải dành 20% đất cho nhà ở xã hội không phải là quy định bất di bất dịch. Tùy từng hoàn cảnh của địa phương, từng dự án sẽ có mức điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, các địa phương cần phải báo cáo với Thủ tướng xem có phù hợp hay không, có thể bù vào quỹ đất ở chỗ khác hay không và làm sao phải đảm bảo hài hòa được chiến lược phát triển nhà ở xã hội quốc gia.

Ông Nguyễn Trọng Ninh Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Đơn giá xây dựng mới về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất

Đơn giá xây dựng mới về nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất

16/01/2025 | 11:10

Kinhtedothi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký Quyết định số 01/2025/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 về việc Ban hành đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội.

Vĩnh Phúc: sẵn sàng cho việc sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng

Vĩnh Phúc: sẵn sàng cho việc sáp nhập Sở GTVT và Sở Xây dựng

13/01/2025 | 09:51

Kinhtedothi - Năm 2025, bên cạnh việc triển khai thực hiện chương trình sáp nhập (Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng), lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định đơn vị sẽ tiếp tục phát phát huy kết quả đã đạt được, nỗ lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ.

Giá thép hôm nay 13/1: tiếp đà tăng

Giá thép hôm nay 13/1: tiếp đà tăng

13/01/2025 | 07:55

Kinhtedothi - Ngày 13/1, thị trường thép trong nước giữ nguyên giá bán; quặng sắt ghi nhận mức giảm hàng tuần do nhu cầu yếu nhưng giới hạn kích thích của Trung Quốc giảm.

Tin tài trợ