Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sự kiện kinh tế tuần: Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Kinhtedothi - Hà Nội đứng đầu về thu hút vốn FDI; Không tăng thuế môi trường với xăng, dầu trước năm 2020; Sắp công bố trách nhiệm của cán bộ trong đoàn kiểm tra vụ Con Cưng... là nội dung chú ý tuần qua.

Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI

Theo Tổng cục Thống kê đến thời điểm 20/8/2018, Việt Nam có thêm 1.918 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với số vốn đăng ký gần 13,5 tỷ USD, tăng 18,1% về số dự án và tăng 0,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

 
Bên cạnh đó, có 736 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,58 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm của các dự án FDI trong 8 tháng đạt 19,06 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Hà Nội là địa phương có số vốn đăng ký lớn nhất với 5,1 tỷ USD, chiếm 37,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu 1,77 tỷ USD, chiếm 13,1%; Bình Dương 661,4 triệu USD, chiếm 4,9%; TPHCM 581,8 triệu USD, chiếm 4,3%; Đồng Nai 580,8 triệu USD, chiếm 4,3%; Hải Phòng 409,4 triệu USD, chiếm 3%; Ninh Thuận 385,1 triệu USD, chiếm 2,9%; Bạc Liêu 365,8 triệu USD, chiếm 2,7%; Kiên Giang 353,5 triệu USD, chiếm 2,6%.
Vốn FDI thực hiện 8 tháng năm nay ước tính đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 8 tháng năm 2018 còn có 4.551 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 5,28 tỷ USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 669 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,76 tỷ USD và 3.882 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,52 tỷ USD.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với tổng số vốn FDI đạt 9,3 tỷ USD, chiếm 48,8% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5,49 tỷ USD, chiếm 28,8%; các ngành còn lại đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 22,4%.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng giá trị góp vốn; ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 22,9%; các ngành còn lại đạt 2,tỷ USD, chiếm 50,1%.
Trong số 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng năm nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 5,84 tỷ USD, chiếm 43,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,82 tỷ USD, chiếm 20,9%; Singapore 949,7 triệu USD, chiếm 7%; Thái Lan 827,3 triệu USD, chiếm 6,1%; Trung Quốc 521,1 triệu USD, chiếm 3,9%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc) 512,3 triệu USD, chiếm 3,8%; Pháp 469,7 triệu USD, chiếm 3,5%.
Không tăng thuế môi trường với xăng, dầu trước năm 2020
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa chỉ đạo Vụ Pháp chế phối hợp với Vụ Chính sách Thuế báo cáo Bộ việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Sau đó, nội dung này được gửi tới Bộ Tư Pháp tổng hợp để điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trước ngày 1/3/2019.
 
Như vậy, từ nay đến hết năm 2019, thuế bảo vệ môi trường, trong đó có mặt hàng xăng dầu, sẽ không tăng, như kế hoạch ban đầu.
Hồi đầu năm, trong một dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng; dầu diesel tăng thêm 500 đồng. Còn lại, dầu madút, dầu nhờn và mỡ nhờn cũng bị đề nghị tăng 1.000 đồng mỗi lít so với hiện nay. Một trong những lý do đề xuất tăng kịch khung với thuế bảo vệ môi trường, theo Bộ Tài chính, là "thuế nhập khẩu giảm mạnh", đồng thời giúp tăng thu gần 15.700 tỷ đồng mỗi năm.
Đề xuất này được đưa ra để xin ý kiến tại phiên họp thường vụ hồi tháng 7 và Chính phủ dự kiến áp dụng mức thuế mới từ tháng 10. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã quyết định Thường vụ Quốc hội sẽ không biểu quyết thông qua Nghị quyết tại phiên họp bởi còn nhiều ý kiến trái chiều.

Vụ Con Cưng: Sắp công bố trách nhiệm của cán bộ trong đoàn kiểm tra

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định hết tháng 8/2018 sẽ có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ làm chi tiết, cẩn thận, sẽ có đánh giá chính thức việc vi phạm nếu có của các thành viên đoàn kiểm tra.

 

Trước đó, vào giữa tháng 7/2018, Công ty cổ phần Con Cưng bị khách hàng tố bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sau đó Cục Quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra. Ngày 31/7, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, đại diện Cục Quản lý thị trường công bố kết luận ban đầu và chỉ ra 7 sai phạm của Con Cưng.

Tuy nhiên, tại thời điểm thông báo, đại diện Công ty cổ phần Con Cưng khẳng định DN chưa nhận được kết luận kiểm tra của cơ quan chức năng. Công ty cổ phần Con Cưng cũng khẳng định có đầy đủ bằng chứng để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên hệ thống của mình.

Chiều 30/8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí liên quan đến việc kiểm tra Công ty Cổ phần Con Cưng.

Thứ trưởng cho biết, về vụ Con Cưng, qua khiếu nại của người tiêu dùng và phản ánh của báo chí về nhãn mác và xuất xứ sản phẩm của Công ty CP Con Cưng, Cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra sơ bộ về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của Công ty CP Con cưng.

Từ 30/7 đến 10/8, sau khi tiến hành kiểm tra sơ bộ, đoàn đã có báo cáo cụ thể. Căn cứ vào kết quả kiểm tra trên các cửa hàng, về sản phẩm hàng hoá và các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của Công ty CP Con Cưng, đoàn kiểm tra đánh giá về cơ bản Công ty CP Con Cưng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cả về chất lượng hàng hoá và nguồn gốc xuất xứ.

Đoàn kiểm tra đánh giá hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, Công ty CP Con Cưng cũng đã có những hành vi chưa tuân thủ pháp luật. Cụ thể, có vi phạm về nhãn mác hàng hoá, về hoạt động khuyến mại, vi phạm các quy định về thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường xử lý theo đúng quy định pháp luật. Đối với Công ty CP Con Cưng, Bộ Công Thương yêu cầu phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đã được phát hiện và tiếp tục rà soát theo quy định pháp luật của công ty, sau đó có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Với các sản phẩm vi phạm nhãn mác, Bộ Công Thương yêu cầu công ty phải khắc phục vi phạm trước khi lưu thông sản phẩm.

Về quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo đúng nhiệm vụ thẩm quyền được giao thì kiểm tra chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, thương mại, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng là công việc hết sức quan trọng. Đây là việc phải thực hiện thường xuyên trên địa bàn cả nước với tất cả loại hình doanh nghiệp, tất cả các loại hàng hoá, sản phẩm, kể cả dịch vụ có liên quan.

Tuy nhiên, việc kiểm tra đó cần phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật quy định, theo đúng quy trình, quy định và quan trọng nhất không được gây phiền nhiễu, không được làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và phải thực hiện theo đúng pháp luật, phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, sau khi có kết luận liên quan đến Công ty CP Con Cưng, Bộ Công Thương ngày 17/8 vừa qua đã hành có Quyết định số 2936 thành lập tổ rà soát đánh giá quy trình kiểm tra, chấp hành quy định pháp luật của Công ty CP Con Cưng và Cục Quản lý thị trường, đánh giá hành vi của từng cán bộ có liên quan đến tổ công tác thanh tra.

“Chúng tôi cũng yêu cầu rà soát lại và đánh giá hoạt động của tổ công tác được triển khai theo Quyết định số 334 ngày 28/1/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Đây là tổ công tác được thành lập để kiểm tra trên địa bàn toàn quốc về các hành vi có thể gây ra những vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng như vi phạm quy định hiện hành.

Theo kế hoạch, hết tháng 8/2018 sẽ có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ làm chi tiết, cẩn thận, sẽ có đánh giá chính thức việc vi phạm nếu có của các thành viên đoàn kiểm tra. Chúng tôi sẽ có thông báo chi tiết, rộng rãi trên các cơ quan báo chí, cũng như Công ty CP Con Cưng và đặc biệt là đông đảo người tiêu dùng trên cả nước”, Thứ trưởng nói.

Chiêu giả mạo siêu thị điện máy để lừa người tiêu dùng
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này nhận được nhiều phản ánh từ người tiêu dùng về việc một số cửa hàng, địa điểm bảo hành, sửa chữa các thiết bị điện tử gia dụng có liên quan tới thương hiệu siêu thị điện máy lớn, như Nguyễn Kim, thu tiền sửa chữa, bảo hành giá cao.
 
Tại website trungtamdientunguyenkim.com có sử dụng logo của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, khi liên hệ qua điện thoại, người tiêu dùng được khẳng định đây là trung tâm bảo hành và sửa chữa của Nguyễn Kim. Tin tưởng "cửa hàng bảo hành chính hãng", nhiều người đã mang thiết bị tới sửa chữa nhưng được báo giá rất cao và sau khi sử dụng một thời gian thiết bị lại hỏng. Khi liên hệ lại với các đơn vị này, người tiêu dùng lại tiếp tục bị báo giá sửa chữa cao cho chính lỗi đã sửa.
Cục Cạnh tranh cho biết, sau khi nhận được phản ánh qua đường dây nóng của người tiêu dùng, cơ quan này đã làm việc với Nguyễn Kim và xác minh website trên không phải của hệ thống siêu thị điện máy này.
Ngoài giả mạo thương hiệu, hiện nhiều địa chỉ website và đơn vị khác lợi dụng thông tin gây nhầm lẫn để lừa người tiêu dùng.
Cục Cạnh tranh lưu ý, người tiêu dùng khi có nhu cầu sửa chữa, bảo hành thiết bị, nên tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy, có kiểm chứng. Ví dụ, xem thông tin về đơn vị bảo hành, sửa chữa được in trên phiếu bảo hành do nhà sản xuất cung cấp; gọi điện thoại tới các Trung tâm chăm sóc khách hàng của các thương hiệu lớn để được tư vấn; gọi điện thoại trực tiếp tới siêu thị để được tư vấn... Khi bảo hành, sửa chữa nên yêu cầu doanh nghiệp lập phiếu, trong đó, mô tả chính xác, đầy đủ tình trạng máy tại thời điểm tiếp nhận.
Trường hợp quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới Cục để bảo vệ quyền lợi.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ