Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Sự kiện kinh tế tuần: Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của Khaisilk

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của Khaisilk; Viettel đổi tên và có điều lệ, tổ chức hoạt động mới; Các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay... là nội dung chú ý tuần qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của Khaisilk
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của Khaisilk. Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức.
Theo đó, xét báo cáo của Bộ Công Thương về việc xử lý các vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức, Phó Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty TNHH Khải Đức theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, Bộ Công Thương đã công bố hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH Khải Đức (thương hiệu Khaisilk).
Thứ nhất, theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, Công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, Công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến nay, Công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của DN, cơ sở sản xuất trong nước. Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, DN khác trên thị trường về gắn một trong 3 nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Thứ hai, Công ty TNHH Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty cho kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”)".
Thứ ba, Công ty có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn. Cụ thể, một số hóa đơn do Công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa; một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty. Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.
Thứ tư, Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Thứ năm, Công ty đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác.
Đồng thời, DN này đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.
Viettel đổi tên và có điều lệ, tổ chức hoạt động mới
Viettel đổi tên và có điều lệ, tổ chức hoạt động mới. Ảnh minh họa.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Tập đoàn VIETTEL).
Theo đó, Công ty mẹ - Tập đoàn VIETTEL là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trực thuộc Bộ Quốc phòng; chịu sự lãnh đạo về mọi mặt của Quân ủy Trung ương; thực hiện nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng đặc biệt do Nhà nước, Bộ Quốc phòng giao và sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của VIETTEL được Nghị định quy định rõ: Về quốc phòng, an ninh, VIETTEL trực tiếp xây dựng quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông bảo đảm hạ tầng mạng lưới viễn thông của VIETTEL làm nhiệu vụ vu hồi, dự phòng cho mạng thông tin quân sự trong thời bình và chuyển sang phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống; sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc khi có yêu cầu và đảm bảo nhiệm vụ thông tin quân sự khác; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp, sửa chữa sản phẩm, trang thiết bị, khí tài, vật tư quốc phòng theo yêu cầu, nhiệu vụ của Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao.
Về sản xuất kinh doanh, VIETTEL trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề được giao, kết hợp với chức năng đầu tư tài chính theo quy định của pháp luật; đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết ở trong nước và nước ngoài; chi phối với các công ty con thông qua vốn, nghiệp vụ, công nghệ, thương hiệu, thị trường hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ này;
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn của VIETTEL tại các công ty con, công ty liên kết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của VIETTEL theo hợp đồng liên kết đối với các công ty tự nguyện liên kết.
Vốn điều lệ của VIETTEL tại thời điểm ngày 5/1/2018 là 121.520 tỷ đồng; vốn điều lệ của VIETTEL giai đoạn từ 2015 đến hết năm 2020 là 300.000 tỷ đồng.

Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các hoạt động của VIETTEL theo quy định của pháp luật;
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ có liên quan thực hiện các quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với VIETTEL theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; Chủ tịch VIETTEL trực tiếp thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VIETTEL theo quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Nghị định quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của VIETTEL; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với VIETTEL và phân công thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Cơ cấu tổ chức quản lý của VIETTEL gồm: Chủ tịch; Tổng Giám đốc; các Phó Tổng Giám đốc; Kiểm soát viên; Kế toán trưởng; Bộ máy tham mưu giúp việc, kiểm soát nội bộ. Chủ tịch VIETTEL kiêm Tổng Giám đốc VIETTEL.
Các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay
Các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa.
Bắt đầu từ ngày 10/1, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ban hành chính sách lãi suất cho vay mới với lãi suất không quá 6%/năm.
Thông thường, chính sách lãi suất mới áp dụng cho những khoản vay mới. Tuy nhiên, theo Vietcombank, thì việc điều chỉnh giảm lãi suất này được thực hiện đối với cả những hợp đồng cũ, mà không cần phải chờ đến kỳ tính lãi. Thời gian thực hiện ưu đãi lãi suất như trên được Vietcombank áp dụng từ 15/1/2018 đến 31/12/2018.
Theo đó, đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất 6,5%/năm, Vietcombank sẽ đồng loạt giảm 0,5% về mức 6%/năm. Đối với các khoản cho vay hiện hữu có lãi suất trên 6%/năm cũng được điều chỉnh giảm về 6%/năm.
Các khoản giải ngân mới từ nay đến hết năm 2018 áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối đa là 6%/năm. Các nhóm đối tượng áp dụng được dẫn giải cụ thể:
Nhóm một, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhóm hai, các DN thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại.

Nhóm ba, các khoản vay phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhóm bốn, các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhóm năm, các khoản vay phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật Công nghệ cao.
Cùng với Vietcombank, Agribank quyết định hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng. Theo đó, kể từ ngày 10/1, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ tối đa 6,5%/năm xuống còn tối đa 6%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39 có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.
Với quyết định này, mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với nhóm khách hàng này chỉ còn tối đa 6%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu chỉ từ 7,5%/năm (giảm 0,5%/năm so với năm 2017).
Tại khối ngân hàng thương mại tư nhân, VPBank cho biết, ngân hàng đã sẵn sàng hỗ trợ giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên.
Hoa Kỳ huỷ bỏ đợt rà soát lệnh áp thuế bán phá giá với thép Việt Nam
 Hoa Kỳ hủy bỏ đợt rà soát lệnh áp thuế bán phá giá với thép Việt Nam
Theo Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USDOC) vừa thông báo hủy bỏ đợt rà soát hành chính Lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm đinh thép nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn từ ngày 1/7/2016 đến 30/6/2017
Trước đó, ngày 13/9/2017, căn cứ trên yêu cầu rà soát đúng thời hạn đối với 19 công ty sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan của Việt Nam từ phía nguyên đơn, USDOC đã thông báo tại Công báo Liên bang về việc khởi xướng rà soát hành chính Lệnh áp thuế CBPG đối với một số sản phẩm đinh thép nhập khẩu từ Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1/7/2016 đến ngày 30/6/2017.
Tuy nhiên, ngày 28/9/2017, nguyên đơn đã rút yêu cầu rà soát hành chính đối với toàn bộ các công ty này.
Theo Mục 19 CFR 351.213(d)(1), USDOC sẽ hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ cuộc rà soát hành chính, nếu bên yêu cầu rà soát rút đơn yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát theo yêu cầu. Do bên nguyên đơn rút đơn yêu cầu rà soát hành chính đúng hạn nói trên, và không có bên liên quan nào khác yêu cầu rà soát các công ty này, USDOC sẽ xem xét hủy bỏ rà soát hành chính đối với 19 công ty.
USDOC sẽ hướng dẫn Cơ quan Biên phòng và Hải quan Hoa Kỳ (CBP) trong việc tính toán các khoản thuế chống bán phá giá đối với tất cả các chuyến hàng phù hợp ở mức thuế tương đương với mức đặt cọc bằng tiền mặt của thuế chống bán phá giá ước tính tại thời điểm nhập vào hoặc xuất kho, để tiêu thụ theo mục 19 CFR 351.212(c)(1)(i). DOC dự kiến ban hành các hướng dẫn tính thuế cho CBP trong vòng 15 ngày sau ngày công bố tại Công báo liên bang.
Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, từ năm 2012 tới nửa đầu năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen và Công ty TNHH Kinh doanh Nippon Steel & Sumikin Việt Nam là hai doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm CORE sang Hoa Mỹ nhiều nhất, với trị giá đạt lần lượt khoảng 73 triệu và 55 triệu USD. Còn doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu mặt hàng CR sang Mỹ nhiều nhất, trị giá khoảng 166 triệu USD là Công ty TNHH Posco Việt Nam.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ