Tấn công lừa đảo vào tài chính, ngân hàng gia tăng
Kinhtedothi - Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC) nhận định tấn công có chủ đích bằng mã độc tống tiền (ransomware) vào các ngành tài chính, ngân hàng sẽ gia tăng.
Theo báo cáo, tấn công bằng mã độc tống tiền - ransomware đã tăng mạnh trong năm 2021 và sẽ tiếp tục phát triển. Chuyên gia đánh giá tỷ lệ lây nhiễm ransomware lớn trong thời gian qua phần lớn do sự gia tăng của các nền tảng học tập và làm việc trực tuyến.
Chuyên gia của VSEC nhận định, chuyển đổi số tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng để phát triển bền vững thì chuyển đổi số phải đi song song cùng an toàn thông tin.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa thật sự chú tâm vào công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng. Điều này trở thành điểm yếu để tin tặc tiếp tục lợi dụng, phát tán mã độc tống tiền.
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhu cầu giao dịch, thanh toán, tặng quà trên môi trường Internet tăng mạnh. Điều này vô tình tạo tiền đề cho nhiều nhóm hacker gia tăng hoạt động lừa đảo nhằm vào người dùng của các dịch vụ ngân hàng online, ví điện tử.
Nhắm vào nhận thức an toàn thông tin còn hạn chế của nhiều người dùng và giá trị lợi ích mà nó mang lại, hình thức tấn công lừa đảo này còn phát triển mạnh trong năm 2022. Khi có thông tin cá nhân, hacker có thể tấn công vào các tổ chức, doanh nghiệp mà cá nhân đó làm việc, sử dụng dịch vụ.
Các chuyên gia VSEC khuyến nghị việc duy trì giám sát an toàn thông tin mạng và kiểm thử bảo mật liên tục sẽ giúp doanh nghiệp và tổ chức đảm bảo phản ứng nhanh trong trường hợp xảy ra sự cố.
Theo thống kê của Cybersecurity Vetures, trong năm 2021, thiệt hại do tấn công ransomware trên toàn cầu trung bình là 102,3 triệu USD/tháng.
Tại Việt Nam, số lượt máy tính bị virus mã hoá dữ liệu tấn công trong năm 2021 lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020, theo khảo sát của Bkav. Đa số người sử dụng vẫn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hoá dữ liệu.
Với năm 2022 và các năm tiếp theo, phân tích của chuyên gia chỉ ra rằng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các tổ chức doanh nghiệp cũng như rất nhiều cá nhân đang chuyển sang làm việc trực tuyến và đối mặt với nhiều nguy cơ trên không gian mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền.
Chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Covid-19 khiến các tổ chức, cá nhân sử dụng Internet nhiều hơn, vì thế, các vụ lừa đảo trực tuyến có chiều hướng gia tăng rõ rệt cả trên thế giới và Việt Nam.
Ngoài việc lừa đảo lấy cắp thông tin cá nhân thì giả mạo các tổ chức tài chính - ngân hàng để lừa đảo trực tuyến là nổi cộm hơn cả. Khó khăn nhất là nhiều người sử dụng còn hạn chế về kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin nên dễ bị lừa gạt.
Cảnh báo lừa đảo vay tiền qua mạng
Kinhtedothi - Các đối tượng lừa đảo yêu cầu đóng một khoản phí hàng chục triệu đồng mới giải ngân khoản vay online. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã sập bẫy khi muốn vay tiền nhanh gọn, thuận tiện.
Cảnh báo lừa đảo về việc gọi điện cấp tài khoản định danh điện tử
Kinhtedothi - Công an TP Hà Nội cảnh báo, việc xác thực định danh điện tử, cơ quan công an chỉ thực hiện trực tiếp tại trụ sở và không yêu cầu công dân phải cung cấp thông tin gì qua điện thoại.
Án chung thân cho cựu Giám đốc lừa đảo chiếm đoạt 160 tỷ đồng
Kinhtedothi - Sau gần 2 tuần xét xử, sáng 22/3, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên án đối với bị cáo Võ Thanh Long (cựu Giám đốc Khu Du lịch sinh thái Phú Hữu) cùng 9 đồng phạm phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Võ Thanh Long chịu mức án tù chung thân.