Tăng kết nối để đưa ASEAN thành trung tâm thế giới
Kinhtedothi - Thuận lợi và thách thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thảo luận tại Tọa đàm AEC và cơ hội cho cộng đồng DN Việt Nam tổ chức ở Hà Nội.
Sức hút từ cộng đồng kinh tế AEC
Tại Tọa đàm, TS Rebecca Fatinma - Chuyên gia cao cấp, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) nhận định, với tỷ lệ dân số trẻ cao, là thị trường lớn thứ 3 và là nền kinh tế thứ 6 thế giới (theo số liệu năm 2016), ASEAN có những yếu tố và tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, tăng trưởng kinh tế của khu vực khiến nhiều quốc gia khác “ghen tị”.
Các diễn giả có mặt tại Tọa đàm. |
Quan trọng hơn, bà Fatinma nhấn mạnh, phương thức phát triển của ASEAN là tịnh tiến từng bước một và dựa trên nguyên tắc đồng thuận. “Với một khu vực bao gồm 10 nền kinh tế với thể chế chính trị - xã hội khác nhau, chúng ta không thể tăng trưởng cùng một tốc độ nhưng quan trọng là chúng ta đang cùng phát triển, phát triển bao trùm hơn và hướng tới thu hẹp khoảng cách phát triển” - TS Fatinma nói.
Cũng theo chuyên gia cao cấp từ ERIA, ASEAN cần chứng minh là một nơi thích hợp để đầu tư với tư cách là một cộng đồng kinh tế chứ không phải tư cách một quốc gia đơn lẻ. “Điều này rất quan trọng nếu khu vực muốn cùng nhau phát triển, mọi người đều được hưởng lợi” - TS Fatinma cho hay.
Cần kết nối “cứng” và “mềm” trong sân chơi chung
Tuy nhiên, TS Fatinma lưu ý, ASEAN đang là điểm sáng nhưng liệu chúng ta có nên tiếp tục giữ cách làm cũ hay không. Chuyên gia cao cấp của ERIA nhấn mạnh đến yếu tố kết nối cả trong thể chế, cơ sở hạ tầng và con người trong một cộng đồng kinh tế chung.
“Hiện thủ tục quy định xuất khẩu giữa các nước còn rườm rà và chúng ta cần phải cải thiện cơ chế một cửa hơn nữa” - bà Fatinma nói. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử, kinh tế số đòi hỏi nhiều đầu tư về hạ tầng, trong đó có hệ thống Internet băng thông trộng, logistics (kho bãi, vận chuyển)... để tạo điều kiện cho hàng hoá luân chuyển dễ dàng trong khối.
Cho rằng yếu tố kết nối và chia là chìa khoá trong một cộng đồng kinh tế chung, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ lưu ý, yếu tố kết nối hạ tầng còn rất ngổn ngang. Theo kế hoạch đến 2025 ASEAN phải hoàn thành 115 dự án kết cấu hạ tầng nhưng đến hiện tại, mới hoàn thành 31%. Việc thiếu kết nối hạ tầng khiến giá thành logistics rất cao, ông Võ Trí Thành cho hay.
GS Hidetoshi Nishimura - Chủ tịch ERIA cũng cho rằng, để triển khai một thị trường và khu vực nền tảng sản xuất chung, ngoài kết nối “cứng” về hạ tầng, cần có sự kết nối “mềm” giữa người dân và thể chế chính sách.
TS Ponciano Intal Jr., chuyên gia kinh tế cao cấp của ERIA cho rằng, việc gia tăng các rào cản phi thuế quan cũng là một hạn chế trong kết nối “mềm”. Các hàng rào phi thuế quan làm ảnh hưởng tới thương mại và sự luân chuyển hàng hóa tại các quốc gia thành viên. "Nhiều quốc gia cần thay đổi cách tiếp cận, quy trình cấp phép, quản lý để biến ASEAN trở thành trung tâm thế giới" - TS Ponciano Intal Jr. nhấn mạnh.
Vị trí của Việt Nam trong AEC
Đánh giá về lợi ích mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đem lại cho các quốc gia thành viên, GS Hidetoshi Nishimura - Chủ tịch ERIA cho rằng, trong số các nước thành viên ASEAN, Việt Nam được xem như một ngôi sao đang lên, với sự đầu tư mạnh mẽ từ các DN nước ngoài như Canon và Samsung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tận dụng được lợi thế cạnh tranh với chuỗi sản xuất trên toàn cầu và thực sự đã có những thành công nhất định. “Việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN đã tạo ra thị trường cho các DN của Việt Nam phát triển” - GS Nishimura cho hay. Ngoài ra, với vị trí là Chủ tịch ASEAN luân phiên vào năm 2020, GS Nishimura hy vọng, Việt Nam đóng một vai trò quan trọng cho tiến trình kết nối cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, sự ra đời và phát triển trong gần 2 năm qua của AEC đã mang những dấu ấn của Việt Nam bởi trên thực tế, Việt Nam đã tham gia tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN ngay từ những ngày đầu khi Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) mới chỉ manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên 41,36 tỷ USD trong năm 2016. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 và cũng là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các DN Việt Nam.
Trong khi đó, TS Fatinma nhận định, ở Việt Nam, có những dòng đầu tư rất lớn so với các quốc gia ASEAN khác. Với sự xuất hiện ở các nước ASEAN như Vinamilk, Ngân hàng BIDV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN..., các DN lớn Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của mình và hưởng lợi từ sự mở rộng của các tập đoàn này trong ASEAN.
Việt Nam đã đi trước Thái Lan về đổi mới sáng tạo, cải cách chính sách. Chuyên gia kinh tế cao cấp của ERIA, TS Ponciano Intal Jr. |
Việt Nam là một trong những quốc gia ASEAN đang đi đúng hướng, đặc biệt là đối với các Hiệp định tự do thương mại (FTA) với Mỹ, tham gia WTO và sau đó là đảm nhận vai trò tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN Micheal Michalak |