Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đột phá do đâu?

Kinhtedothi – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, tăng trưởng GDP tới thời điểm này không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo vắn tắt về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 diễn ra cùng ngày 3/10 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ thống nhất đánh giá: Về tình hình kinh tế-xã hội, có 3 điểm nổi bật nhất: Tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc.
 Lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì buổi họp báo
Các thành viên Chính phủ thống nhất với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là tình hình kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng rất tích cực. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cải thiện rõ nét. GDP quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,17%; quý III có sự đột phá và tăng 7,46%, 9 tháng ước tăng 6,41%.

Mức tăng trưởng của 9 tháng năm nay cao hơn mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm 2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện, đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.

Với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt.

“Xin nhấn mạnh là tăng trưởng GDP mà chúng ta có được tới thời điểm này là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tăng tín dụng hoặc khai khoáng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, trong mức tăng 6,41% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành thủy sản tăng trưởng tốt, sản lượng thủy sản 9 tháng tăng trưởng 4,5% so với cùng kỳ.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%. Tình hình sản xuất công nghiệp và xây dựng cải thiện rõ rệt nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Toàn ngành đóng góp 2,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Mặc dù sản lượng dầu thô giảm nhưng máy tính, điện thoại tăng mạnh. Nhà máy Formosa sản xuất đạt 1,5 triệu tấn thép. Chỉ số sản xuất (IIP) toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 7,9%, đã cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2016 (7,1%), đáng chú ý là ngành khai khoáng đã giảm chậm lại và ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng kỷ lục (12,8%).

Khu vực dịch vụ có đà tăng trưởng tốt nhất từ đầu năm, tính chung 9 tháng tăng 7,25%, cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2013 trở lại đây, có đóng góp lớn nhất, 2,8 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Hoạt động du lịch tuy có chững lại trong tháng 9 do ảnh hưởng của cơn bão số 10 tại các tỉnh miền Trung, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng vẫn đạt cao, ước trên 9,4 triệu lượt khách, tăng 28,4%, bình quân mỗi tháng đạt trên 1 triệu lượt khách.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, vượt xa so với mục tiêu cả năm đã đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%, cao hơn nhiều mục tiêu tăng 7% và cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2016 (6,7%). Nhập siêu ở mức thấp, chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đáng mừng là tăng trưởng GDP cải thiện, nhưng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 9 tháng đầu năm được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu đề ra, tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với bình quân 8 tháng (3,84%). Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Các cân đối lớn được bảo đảm. Dự trữ ngoại hối đạt 44 tỷ USD.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các Bộ ngành, địa phương rất tích cực triển khai cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, như Bộ Công Thương vừa qua tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Nhờ nỗ lực chung này, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đều có bước cải thiện vượt bậc.

Số doanh nghiệp thành lập mới đã đạt mức tăng cao nhất từ năm 2013 tới nay. Trong 9 tháng, cả nước có thêm 93.967 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 902,68 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài tăng mạnh. Tính chung trong 9 tháng năm 2017, vốn FDI đăng ký khoảng 21,32 tỷ USD, tăng 29,7%; vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 64%; giải ngân vốn FDI 9 tháng đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.

Không chỉ về kinh tế, chúng ta còn đạt những kết quả toàn diện trên các mặt văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn khi vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, tuy cải thiện nhiều nhưng chưa đạt yêu cầu, mới đạt gần 55%. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11,8 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch 60 nghìn tỷ đồng). Do đó, Chính phủ yêu cầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan.

Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tập trung vào khâu thực thi, nhất là người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết. Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện chuyển mạnh mẽ từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Các bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ