Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam lấy doanh nghiệp làm trụ cột

Kinhtedothi - Nhiều kịch bản được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước... đưa ra với nhiều giả thiết cho năm 2025. Song đều có chung nhận định, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng chính để hiện thực hoá mục tiêu.

Chiều 7/1, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa Xuân 2025.

Toàn cảnh Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam (VESF) lần thứ 17. Ảnh: Khắc Kiên

Dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và lãnh đạo các bộ, ban ngành, chuyên gia, nhà kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự ...

Doanh nghiệp là động lực

Phát biểu khai mạc, TS Chử Văn Lâm -Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đang quyết tâm hướng tới kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. VESF 2025 là diễn đàn đầu tiên của năm mới đề cập và bàn thảo về kịch bản giai đoạn phát triển kinh tế Việt Nam (2025 - 2030), một bước chuyển mình mới, nấc thang mới thể hiện tinh thần vươn mình, nỗ lực vượt bậc nhằm đạt được mức tăng trưởng đột phá và phát triển bền vững. 

TS Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhìn nhận, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần nỗ lực, chuẩn bị từng bước, từng điều kiện để sẵn sàng, tự tin, hiện thực hoá mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao năm 2045.

Trong kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 của nhóm chuyên gia nghiên cứu tại BIDV, Việt Nam có thể đạt mức 7,5% ở kịch bản trung bình và 8% ở kịch bản tốt nhất. Mục tiêu tăng trưởng hai con số sẽ bắt đầu từ năm 2026.

Năm 2024, dù tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân có cải thiện so với mức tăng 2,7% của năm 2023, nhưng chỉ quanh mức 7%, chưa bằng một nửa so với trước Covid-19.

Trong các kịch bản tăng trưởng, nếu không thúc đẩy sự gia tăng của khu vực doanh nghiệp tư nhân, các mục tiêu sẽ trở nên khó khăn. Thậm chí, bài toán tăng trưởng trên 8% và cao hơn sẽ rất thách thức.

Còn nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đề xuất 6 nhóm chính sách để đạt được kịch bản tăng trưởng cao nhất. TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, các khuyến nghị đều hướng tới thúc đẩy môi trường kinh doanh. Suy cho cùng, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng chính, cần thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững cho doanh nghiệp.

Trước một số những vướng mắc được các chuyên gia, doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đề nghị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế tư nhân, thay thế cho Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì nhiều nội dung không được triển khai quyết liệt.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc thông tin về một số thành tựu của năm 2024. 15/15 chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; chỉ số CPI tăng 3,63% so với năm trước. Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD. Thu ngân sách tăng 19,8% so với dự toán, đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (tăng 336,5 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,95%... đều có sự nỗ lực của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Do đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mong Diễn đàn có nhiều sáng kiến đóng góp để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng hai con số như mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

"Thời gian tới tiếp tục nhận được nhiều đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý để xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" - Phó Thủ tướng kỳ vọng. 

Đồng thời cho biết, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. 

Kinh tế tư nhân đóng góp nhiều vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Khắc Kiên

Về hoàn thiện thể chể, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024 đã hoàn thiện sửa đổi một số luật để tháo gỡ “điểm nghẽn”, phát huy nguồn lực. Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn.

Còn phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã dồn nguồn lực để đầu tư. Năm 2025, bố trí nguồn vốn đầu tư công khoảng 800.000 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam (khởi công năm 2027), các tuyến đường sắt cao tốc từ Trung Quốc nối về Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội… Ngoài ra, còn phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), khu công nghiệp, khu kinh tế…

Phó Thủ tướng nêu rõ, thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đang tập trung những giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát hợp nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới. 

“Trong 3 đột phá đó, sẽ có hàm lượng đột phá về khoa học công nghệ. Liên quan đến làm chủ công nghệ là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về mặt công nghệ là phải có chuyển giao công nghệ. Cần làm sâu sắc hơn vấn đề công nghệ và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ. Đây là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hồng Sơn cho biết, cả nước đang nỗ lực, khẩn trương, quyết tâm cao độ để hoàn thành toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong 5 - 10 năm tới để hiện thực hóa hai mục tiêu chiến lược. Đó là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. 

Với mục tiêu đó, hiện Việt Nam đang cùng lúc thực hiện hai cuộc cách mạng, đó là cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ và năng suất, chất lượng chung của nền kinh tế, để đuổi kịp, tiến cùng các nền kinh tế phát triển. 

Ban Kinh tế T.Ư cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để báo cáo Bộ Chính trị xem xét trong quý III/2025. 

 

Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam - lần thứ 17 có chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”. Với hai phiên tham luận và thảo luận, các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà quản lý đã trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và khu vực năm 2025, những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; các giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững…

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển Thủ đô Hà Nội

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển Thủ đô Hà Nội

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ