Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình thị sát tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Yên Bái.

Thông báo kết luận nêu rõ, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ ngày 10/10/2017 tại nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 300 đến 400 mm, một số nơi trên 600 mm, trên địa bàn tỉnh Yên Bái một số nơi cũng đã có mưa rất to.
Mưa lớn kéo dài đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương, thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân, cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Thống kê đến ngày 13/10/2017, mưa lũ đã làm 93 người chết và mất tích, thiệt hại nghiêm trọng nhất về người là tại các tỉnh: Hoà Bình, Yên Bái và Thanh Hoá (tại Yên Bái 22 người chết và mất tích, trong đó vẫn còn 16 người chưa được tìm thấy; 73 nhà bị sập trôi, trên 1.700 nhà bị ngập lũ; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, cầu cống, đê kè, công trình thuỷ lợi bị phá huỷ; hàng trăm ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại). Đây là đợt mưa lũ lớn bất thường, trái mùa, đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
 Phó Thủ tướng thị sát hiện trường khu vực cầu Thia. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Yên Bái cần tập trung chỉ đạo khắc phục khẩn trương hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1560/CĐ-TTg ngày 12/10/2017, trong đó tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các phương án ứng phó kịp thời, đặc biệt lưu ý đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tiếp tục xảy ra do đất đã bão hoà nước. Tiếp tục rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là một số khu dân cư ven suối Thia, các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Đồng thời huy động lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể và nhân dân tiếp tục tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích. Đề nghị các Bộ: Quốc phòng, Công an, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu 2 huy động thêm lực lượng, phương tiện nghiệp vụ để hỗ trợ địa phương tìm kiếm những người còn mất tích.

Không để người dân bị đói, rét, ốm đau, bệnh tật

Cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo, vận động các tổ chức, cơ quan, đoàn thể ở địa phương phát huy tinh thần tương thân tương ái, tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người có người bị chết, mất tích; hỗ trợ và tổ chức chu đáo việc mai táng người bị thiệt mạng, nhất là đối với những người bị nạn không còn người thân thích; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói, rét, ốm đau, bệnh tật.

Chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tổ chức việc cứu chữa miễn phí cho những người bị thương, khám chữa bệnh cho người dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; triển khai, hướng dẫn tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh; chỉ đạo lực lượng công an, phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông tiếp tục kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu để bảo đảm an toàn, tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Phó Thủ tướng yêu cầu huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên,... tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng sau lũ, nhất là tại các khu vực vừa qua bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, không để phát sinh dịch bệnh sau mưa lũ. Giao Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng (Quân khu 2), Bộ Công an, Bộ Y tế chỉ đạo, huy động bổ sung lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu của địa phương.

Khẩn trương khôi phục các công trình hạ tầng bị hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học để đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh cho người dân, học tập cho học sinh; khôi phục công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao triển khai hỗ trợ địa phương sớm khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ngành giao thông vận tải chỉ đạo triển khai phương án khắc phục sự cố trên các tuyến giao thông, nhất là trên các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt, các trục giao thông chính, chủ động điều tiết giải toả các điểm còn ách tắc do sạt lở, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Rà soát thống kê, đánh giá thiệt hại do mưa lũ; trước mắt, tỉnh chủ động tạm ứng ngân sách của địa phương triển khai thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cho người dân theo quy định; ngân sách Trung ương sẽ cân đối, hỗ trợ địa phương theo các chính sách chung hiện hành.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Mang Tết ấm đến với công nhân, người lao động Thủ đô

Mang Tết ấm đến với công nhân, người lao động Thủ đô

19/01/2025 | 15:39

Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhằm chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tập trung nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ người lao động khó khăn, với tổng số tiền trên 42 tỷ đồng.

Cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và kỹ thuật số

Cơ hội việc làm trong các lĩnh vực xanh và kỹ thuật số

19/01/2025 | 14:45

Kinhtedothi – Báo cáo Triển vọng việc làm và Xã hội thế giới 2025 cho thấy, việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tăng lên 16,2 triệu trên toàn thế giới nhờ sự đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng hydro.

Tin tài trợ