Tuesday, 08:54 04/04/2017
Thách thức lớn trong khởi nghiệp sinh viên
Kinhtedothi - Việc khuyến khích khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên (SV) luôn được đặt ra, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trong đó, vấn đề mấu chốt là thiếu nhân lực và khả năng thẩm định tính khả thi của ý tưởng khởi nghiệp.
Không có khả năng đánh giá ý tưởng
Đánh giá tính khả thi của ý tưởng là bước đầu tiên nhưng vô cùng quan trọng trong khởi nghiệp. Chia sẻ kinh nghiệm với những SV ước mơ khởi nghiệp, ông Phạm Anh Đức - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Vicare khẳng định, giá trị ý tưởng khởi nghiệp là ở chỗ ý tưởng đó có thể đưa vào thực tiễn được hay không. Hiện nay, ý tưởng mới hoàn toàn là rất hiếm, bởi hầu hết đều có người đã và đang thực hiện. Vì thế, các bạn SV không nên quá “ảo tưởng” về tính độc tôn của ý tưởng và bảo thủ giữ bản quyền, mà phải tập trung hiện thực hóa ý tưởng đó, tạo nên thành công và khác biệt so với những người khác có chung mục tiêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của sinh viên trong Chương trình Thanh niên khởi nghiệp năm 2016. Ảnh: Hà Linh |
Là một trong số ít người trẻ đạt được kết quả kinh doanh bước đầu với ý tưởng về hệ thống hoàn tiền thông minh khi mua sắm trực tuyến, Giám đốc điều hành Công ty Putatu Nguyễn Anh Phú chia sẻ: Thanh niên, SV hiện nay có lợi thế về tiếp cận thông tin nhờ sự phát triển vượt bậc của KHCN và internet. Các bạn có hàng ngàn ý tưởng nhưng lại thiếu kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm làm việc nhóm và khả năng thẩm định tính khả thi. Do đó, khi có ý tưởng khởi nghiệp, các bạn nên tham gia vào các công ty khởi nghiệp để được hỗ trợ kiểm tra tính khả thi, học hỏi để đưa ý tưởng vào thực tiễn.
Thực tế cho thấy, đa số các ý tưởng khởi nghiệp đều thất bại trong lần đầu thực hiện. Điều đó tất yếu dẫn đến sự chùn bước. Ông Phan Viết Hoàn - nhà sáng lập và Chủ tịch Hệ sinh thái tuyển dụng Mywork khẳng định: Để vượt qua được những khó khăn đó, các bạn SV phải tự đặt ra một thời hạn cụ thể, với mục tiêu rõ ràng, đánh giá khả năng thực tiễn, tránh sa đà vào các ý tưởng hão huyền. Tới một mức thời gian nhất định mà kết quả công việc vẫn còn mơ hồ, các bạn nên dũng cảm dừng lại và suy ngẫm.
Thiếu nhân lực
Nói về khởi nghiệp SV, các chuyên gia nhận định, cách tốt nhất để tránh rủi ro khi khởi nghiệp là bắt đầu trải nghiệm, thực tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đã được va chạm, được trải nghiệm, thậm chí là thất bại, các bạn trẻ sẽ có tâm lý vững vàng, có thái độ nghiêm túc hơn với công việc. Từ đó, khi tự mình khởi nghiệp, khả năng thành công sẽ cao hơn. Tại Diễn đàn “SV 5 tốt với sáng tạo và khởi nghiệp” vừa qua, những nhà sáng lập, các DN khởi nghiệp sáng tạo có tốc độ phát triển nhận định, ý tưởng khởi nghiệp của SV là vô hạn nhưng nguồn nhân lực để thực hiện các ý tưởng lại hữu hạn, thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Nhấn mạnh về nguồn nhân lực, ông Phạm Minh Tuấn - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Tổ hợp Giáo dục Trực tuyến TOPICA và đồng sáng lập TOPICA Founder Institute cho rằng, khi có ý tưởng tốt, đội ngũ nhân lực tốt và có thể chứng minh tính khả thi của ý tưởng cho các nhà đầu tư thì dự án đó hoàn toàn có thể được hỗ trợ.
Xuất sắc giành giải Nhất với giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước trong cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp SV vừa qua, nhóm Startup Smart Water đến từ Đại học CNTT - Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) chia sẻ, đặc điểm chung thường thấy của các nhóm khởi nghiệp SV là hạn chế về tài chính, dẫn đến việc các sản phẩm tuy có tính ứng dụng cao nhưng chất lượng kỹ thuật còn ở mức cơ bản, giá bán không cao. Cho nên, phải giải được bài toán nhân lực trong hoạch định kế hoạch và định hướng phát triển sản phẩm.
Riêng năm 2016 đã có 205 triệu USD được đầu tư cho các nhóm khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước, nhưng số lượng thương vụ lại giảm bởi các nhà đầu tư đánh giá các nhóm khởi nghiệp có tố chất tốt ngày càng ít. |