Monday, 14:20 12/02/2018
Thái Lan: Nơi truyền thống hòa nhịp cùng hiện đại
Kinhtedothi - 7 ngày ngắn ngủi ở Thái Lan, đặt chân qua nhiều miền đất xinh đẹp và mến khách, chúng tôi mới nghiệm ra rằng, không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đất nước Chùa Vàng là thiên đường du lịch.
Đậm đà bản sắc văn hóa
Vừa đặt chân xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Thủ đô Băng Cốc, đã cảm giác như được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của đất nước Thái Lan. Từ mái kiến trúc vòm mang dáng dấp đền chùa Phật giáo Thái Lan đến những bức tượng khổng lồ với trang phục có họa tiết bắt mắt đặt trong khuôn viên, rồi các cụm hoa lan rực rỡ sắc màu. Thật không sai khi nói rằng, sân bay Suvarnabhumi chính là một bảo tàng thu nhỏ, hiện đại mà truyền thống, nơi hội tụ đủ đầy những nét đặc trưng của văn hóa Thái Lan và rõ ràng, người Thái biết cách quảng bá hình ảnh đất nước ngay từ cửa ngõ hải quan.Đến Chiang Mai - một tỉnh phía Bắc Thái Lan, cách Băng Cốc hơn 800km, điều thu hút chúng tôi là bên cạnh nhịp sống ồn ào, náo nhiệt của một đô thị đang trên đà phát triển, vùng lõi nội đô vẫn giữ được những nét truyền thống. Ấy là dải thành cổ xây bằng gạch nung chạy dọc dòng kênh hiền hòa ghi dấu ấn của người Lana. Ấy là những phố cổ rêu phong bày bán những mặt hàng đặc trưng giống như “phố Hàng” của Hà Nội, hòa quyện độc đáo giữa kiến trúc và màu sắc. Patcharin Aor Yimsoo, một đồng nghiệp ở báo Thai News cho biết, ở đó, du khách dễ dàng tìm được những cửa hàng chế tác đồ bạc hay tiệm vải nổi tiếng nhất vùng. Chúng tôi được bà Ubolnadda Supawan - Chủ tịch báo Thai News và các đồng nghiệp của Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai dẫn đi thưởng thức ẩm thực truyền thống theo phong tục “Khan tok” của người Thái. Theo lời giới thiệu của bà Ubolnadda, “Khan tok” thường dùng để đón tiếp khách quý từ phương xa.
Trước sảnh nhà hàng ẩm thực dân tộc, hơn chục chàng trai, cô gái độ tuổi trăng tròn với trang phục, nhạc cụ truyền thống tấu lên những bản nhạc rộn rã chào khách phương xa. Không gian bên trong nhà hàng được bài trí như một nhà hát với sân khấu ở chính giữa, nơi các nghệ sĩ thăng hoa cùng những điệu múa truyền thống điệu vợi. Du khách ngồi xung quanh, vừa cảm nhận hương vị của món ăn, vừa thưởng thức nghệ thuật. Những món ăn tưởng chừng đơn giản, chỉ với rau luộc, thịt nấu cà ri, tóp mỡ… được bày biện đẹp mắt trên những chiếc bàn mây nhỏ nhắn như chứa đựng cả tinh hoa ẩm thực của người Thái ở phương Bắc…
Đoàn công tác báo Kinh tế & Đô thị cùng các đồng nghiệp báo Thái News và Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai (Thái Lan) tại Vườn thú Chiang Mai. |
Hiện nay, mỗi năm công viên Nong Nooch đón hơn 3 triệu lượt khách tới tham quan, trong đó 80% là du khách nước ngoài. Đáng chú ý, để hút khách Việt Nam, công viên này đã xây dựng một phòng ăn riêng về ẩm thực Việt.Ngoài cảnh quan đẹp đến nao lòng, du khách đến Khu du lịch sinh thái Nong Nooch còn được xem trình diễn nghệ thuật truyền thống 4 miền của Thái Lan, trình diễn voi thông minh rất đặc sắc, thú vị. Bà Patthanone Khanthisukpone - Tổng Giám đốc Công viên sinh thái Noong Nooch cho biết, công viên có khoảng hơn 70 chú voi và 200 diễn viên biểu diễn hàng ngày, mỗi ngày 6 show. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những bữa tiệc buffet trái cây hấp dẫn, ngon miệng mà đã mắt. “Tôi tin rằng đây sẽ là thiên đường trên địa giới và du khách đến đây sẽ có những kỷ niệm đẹp nhất” – bà Patthanone Khanthisukpone chia sẻ.Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Woravat Auapinyakul, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch của Thái Lan cho biết, Thái Lan tập trung phát triển các tour du lịch hấp dẫn du khách và nâng cao chất lượng dịch vụ để níu chân du khách. Tiêu biểu như phát triển nền ẩm thực phong phú, chất lượng, dịch vụ đổi tiền bath thuận tiện để phục vụ mua sắm, các tour du lịch giá cả phải chăng, chỗ ở tốt… “Ở những nơi khác, họ ép du khách phải mua sản phẩm nào đó, nhưng ở Thái Lan rất coi trọng sự thân thiện với du khách” – ông Woravat Auapinyakul cho hay.Bên cạnh nhịp sống ồn ào, náo nhiệt của một đô thị đang trên đà phát triển, vùng lõi nội đô vẫn giữ được những nét truyền thống…