Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 6 sẽ có nhiều điểm mới và được cải tiến so với 5 lần tổ chức trước đây. Lễ hội có quy mô khoảng 200 gian hàng, trong đó có 100 gian hàng bánh dân gian Nam Bộ và 100 gian hàng đặc sản các vùng miền khác trong cả nước.
Các gian hàng bánh dân gian Nam bộ sẽ được ưu tiên trưng bày ở khu chính nhằm nêu bật giá trị văn hóa bánh dân gian Nam bộ qua ba yếu tố được thể hiện xuyên suốt trong thời gian diễn ra Lễ hội: Văn hóa làm bánh - văn hóa bán bánh - văn hóa thưởng thức bánh. Đặc biệt, Lễ hội năm nay có sự tái hiện bộ sưu tập dụng cụ làm bánh truyền thống tại khu trưng bày làm bánh.
Hiện nay, Ban tổ chức đã tiếp nhận các nghệ nhân của tỉnh thành đăng ký tham gia Lễ hội với nhiều loại bánh dân gian như: tỉnh Tiền Giang (đặc sản bánh giá chợ Giồng), tỉnh Bến Tre (bánh tét, bánh lá dừa),tỉnh Trà vinh (bánh tét Trà Cuôn), tỉnh Bạc Liêu (bánh gừng bánh ớt), tỉnh An Giang (bánh cà Tum, bánh hẹ, bánh hành, bánh thốt nốt), tỉnh Hậu Giang (bánh tét),...
Riêng TP Cần Thơ, 9 quận - huyện đã khởi động tuyển chọn các nghệ nhân và các sản phẩm bánh dân gian tiêu biểu của địa phương giới thiệu với du khách tại Lễ hội như: Quết cốm dẹp, bánh hỏi mặt võng Út zách, bánh da lợn cuộn, bánh bông lan trứng muối, bánh đa; quết bánh phồng, tráng bánh tráng; chả giò rế; bánh xèo, bánh kẹp cuốn, bánh hẹ trái đào; bánh cơm rượu, cơm rượu, bánh lá dừa…
Trong khuôn khổ Lễ hội còn diễn ra nhiều chương trình hoạt động phong phú đa dạng hấp dẫn thu hút du khách nhưbiểu diễn đờn ca tài tử, biểu diễn múa lân sư rồng, biểu diễn nhạc cụ truyền thống và múa dân gian các nước ASEAN, các trò chơi dân gian, hoạt động quảng bá du lịch - ẩm thực Cần Thơ…
Lễ hội là một hoạt động thường niên được tổ chức tại thành phố Cần Thơ nhằm quảng bá đặc sản bánh dân gian Nam Bộ đến du khách trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ nói chung, người dân Cần Thơ nói riêng.