Thế khó của phim về đề tài chiến tranh
Những bộ phim về đề tài chiến tranh chuẩn bị ra mắt các đợt lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước năm 2025 đang được đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, thể loại phim này luôn phải đứng trước rất nhiều thách thức.

Phim trường dựng lên ở Quảng Trị để quay Mưa đỏ. Ảnh: Nhà sản xuất
Trước khi tác phẩm “Mưa đỏ” của Điện ảnh Quân đội Nhân dân (dự kiến ra mắt tháng 9.2025) lấy đề tài về 81 ngày đêm đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị năm 1972, bộ phim “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Hữu Mười đã làm về đề tài này. “Mùi cỏ cháy” ra mắt năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
“Mùi cỏ cháy” là phim do Nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Do kinh phí rót cho phim quá ít, nhiều đạo diễn từ chối vì không thể làm được phim chiến tranh với số tiền ít ỏi như vậy. Cuối cùng, đạo diễn Hữu Mười nhận phim và có thêm được sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị.
“Mùi cỏ cháy” lấy bối cảnh năm 1971-1972, khi lệnh gọi nhập ngũ đối với sinh viên các giảng đường đại học được đặt ra gấp rút, phải lập tức chi viện cho chiến trường Quảng Trị. Ngày 6.9.1971, hàng nghìn sinh viên nhập ngũ, trong đó, có 300 sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội. Kịch bản “Mùi cỏ cháy” xoay quanh số phận 4 sinh viên Đại học Tổng hợp là Hoàng, Thành, Thăng, Long. Phim có sự hỗ trợ lớn từ hội cựu chiến binh 6/9 - những người lính lấy ngày giã từ giảng đường để đặt tên cho hội, họ cung cấp câu chuyện, chất liệu thêm cho kịch bản.
Thế nhưng, do kinh phí eo hẹp, “Mùi cỏ cháy” đã không thể lột tả hết được sự khốc liệt, bi thương của 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa năm 1972 ở Quảng Trị. Đây được ví là một trong những cuộc chiến khốc liệt bậc nhất trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972.
Kinh phí luôn được coi là điều kiện quan trọng với thể loại phim chiến tranh. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng từng thực hiện bộ phim “Những người viết huyền thoại” cho biết: “Phim về đề tài chiến tranh ngốn tiền khủng khiếp. Từ việc tái dựng lại bối cảnh đến thuê mướn phục trang. Tốn nhất là thuê vũ khí, khí tài, quả nổ... Có đoàn phải thuê cả trực thăng. Để có được những đạo cụ tốn kém như thế để quay phim, tiền sẽ không biết bao nhiêu cho đủ. Khi làm “Những người viết huyền thoại”, chúng tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ rất lớn từ quân đội”.
“Vì tốn kém quá, nên để tiết kiệm, cảnh nào quay có quả nổ hay đạn thật, thường sẽ chỉ thực hiện 1 đúp duy nhất. Chúng tôi sẽ phải tập dượt, chỉ đạo diễn viên diễn xuất thật nhuần nhuyễn, làm đi làm lại nhiều lần. Sau đó mới thực hiện cảnh quay có quả nổ, hay đạn thật, và phải quay 1 lần là đạt luôn” - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng kể.
Phim về đề tài chiến tranh không chỉ ngốn rất nhiều tiền còn luôn bị xếp vào thể loại kén người xem, khó tiếp cận khán giả. Để chạm đến trái tim, cảm xúc của người xem, để thu hút họ đến rạp, tất nhiên sẽ không chỉ bằng những thước phim đắt đỏ, tốn kém, còn bằng câu chuyện, sự dẫn dắt, cách đưa lên màn ảnh góc nhìn của chính đạo diễn về chiến tranh và số phận con người.
Khi được hỏi về những thách thức đặt ra khi bắt tay vào dự án “Mưa đỏ”, thượng tá Kiều Thanh Thúy - Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Giám đốc sản xuất chia sẻ, đoàn phim đã cho xây dựng một phim trường quy mô 40ha ở Quảng Trị để thực hiện các cảnh quay. Về vũ khí, khí tài, quân trang... đoàn phim nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị quân đội.
“Về cách tiếp cận đề tài chiến tranh, “Mưa đỏ” chọn cách tiếp cận mới, chia sẻ góc nhìn khách quan, đa chiều để làm sống dậy câu chuyện về trận chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Bộ phim khắc họa chiến tranh không chỉ qua góc nhìn chiến thắng mà còn làm nổi bật nỗi đau, mất mát của cả hai phía. Người lính trong bộ phim “Mưa đỏ” không chỉ chiến đấu với kẻ thù mà còn đối diện với chính nỗi sợ hãi, nỗi nhớ nhà và những mâu thuẫn cá nhân.
Đặc biệt, “Mưa đỏ” còn chia sẻ góc nhìn của những người lính ở bên kia chiến tuyến. Những người lính, dù ở phía nào của chiến tuyến cũng chiến đấu vì niềm tin và lý tưởng mà họ theo đuổi. Vì lý do thời cuộc mà họ phải đối diện với nhau trên chiến trường và sâu thẳm trong lòng mỗi người lính đều không mong muốn có chiến tranh” - Thượng tá Kiều Thanh Thúy nói.