Thể thao Việt Nam nhìn nhận vào cơ hội tại Olympic Paris 2024
Kinhtedothi – Khép lại các giải đấu lớn trong năm 2023, thể thao Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Đó là sự nỗ lực của tập thể, của từng cá nhân trong việc tập luyện, tập huấn và chuẩn bị, rồi thi đấu nỗ lực mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Tuy nhiên, thể thao Việt Nam cần xác định đầu tư vào mục tiêu nào để có kết quả tốt nhất. Đặc biệt, tại Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 dự kiến được tổ chức trong thời gian tới.
Bài học từ Asiad 19
Năm 2023, thể thao Việt Nam đã tham dự ở nhiều giải đấu khác nhau, trong đó đấu trường cao nhất là Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc). Dù hoàn thành chỉ tiêu so với trước ngày lên đường (đứng thứ 21 khi giành 27 huy chương, trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ) nhưng thực tế chỉ ra Thể thao Việt Nam đang “rơi rụng” ở Asiad và Olympic, việc này báo động sự thụt lùi so với chính mình cũng như các đối trọng khác. Bài học từ Asiad 19 vẫn còn “nóng hổi” với Thể thao Việt Nam trong việc nhìn nhận thực trạng và đánh giá thực tế, khách quan trước khi hướng tới các giải đấu lớn trong năm 2024, trong đó có Olympic Paris 2024 diễn ra vào tháng 7.
Tính đến thời điểm này, thể thao Việt Nam sẽ chỉ tạm đạt ba suất chính thức Olympic Paris 2024 gồm môn xe đạp (Nguyễn Thị Thật), bắn súng (Trịnh Thu Vinh) và bơi (Nguyễn Huy Hoàng). Việc giành được ba suất tham dự Olympic là con số khiêm tốn với Thể thao Việt Nam khi mục tiêu phải giành huy chương Olympic đã được ghi rõ trong Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Nhìn lại những Kỳ Đại hội lớn của Thể thao Việt Nam tham dự như: Olympic 2020, Asiad 18 và 2022 có thể thấy, Thể thao Việt Nam tiếp tục có sự nhìn nhận mới về cách thức đầu tư cho thể thao thành tích cao. Nếu không có thay đổi cách đầu tư sẽ khó hoàn thành mục tiêu cũng như hướng các kỳ đến Asiad và Olympic trong giai đoạn tới, trong đó có Olympic Paris 2024. Tại kỳ Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Nhật Bản, Thể thao Việt Nam có 18 VĐV được tham dự tranh tài nhưng không giành được kết quả huy chương. Mục tiêu của Thể thao Việt Nam cho Olympic Paris 2024 là giành tối đa 15 suất chính thức nhưng sau Asiad 19, mục tiêu này “càng xa vời”. Trong 3 HCV giành được tại Asiad, duy nhất chỉ có 1 nội dung thuộc chương trình thi đấu Olympic là 10m súng ngắn hơi nam của môn bắn súng của VĐV Phạm Quang Huy. Nhưng thành tích mới nhất tại Giải vô địch châu Á 2023 mới đây, anh chỉ xếp thứ 9 và không thể lọt vào danh sách những VĐV xuất sắc nhất bước vào thi đấu chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nam. Vì thế, việc giành huy chương tại Olympic Paris 2024 lúc này là còn bất khả thi. Dù vậy, thể thao Việt Nam vẫn kỳ vọng vào cơ hội giành suất Olympic trong các môn quan trọng khác như điền kinh, thể dục dụng cụ, boxing, cử tạ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo. Trong đó, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sẽ kết thúc các giải tranh suất Olympic Paris 2024 vào ngày 30/6/2024. Ngoài ra, cử tạ Việt Nam sẽ thi đấu giải vô địch châu Á (tháng 2, tại Uzbekistan) và World Cup (tháng 4, tại Thái Lan) để tích thêm điểm tranh suất Olympic. Ở môn boxing, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và một số tay đấm khác mới có thể dự 2 lượt vòng loại Olympic: Vòng đầu (tháng 2, tại Italia) và vòng hai (tháng 3, tại Thái Lan) để tranh vé chính thức đến Paris 2024.
Nhìn thẳng vào thực tế, tìm ra hướng quyết
Olympic Paris 2024 là cột mốc đáng suy ngẫm cho thể thao Việt Nam. Cơ quan quản lý xây dựng mục tiêu hoạch định Olympic năm 2024 có kết quả huy chương; Olympic năm 2028 có kết quả huy chương; còn Olympic giai đoạn từ năm 2031 đến 2045 là có HCV. Chính vì thế, Hội thảo tọa đàm định hướng phát triển thể thao thành tích cao tới năm 2030 là nơi để giải quyết những vấn đề cấp bách, bàn về các giải pháp sẽ giúp cho lĩnh vực thể thao có được những cơ sở khoa học, lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là trả lời được câu hỏi: Làm sao để cải thiện được thành tích của Thể thao Việt Nam trên đấu trường Asiad và Olympic?
Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, Hội thảo dự kiến tổ chức trong thời gian 1 buổi vào giữa tháng 12 với sự tham dự của các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cho các Liên đoàn, Hiệp Hội, các địa phương. Hội nghị gồm 4 phần chính: Báo cáo thực trạng thể thao thành tích cao, nguồn nhân lực VĐV, định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2024 và lựa chọn các môn thể thao trọng điểm…
Asiad và Olympic là 2 đấu trường đỉnh cao của châu lục và thế giới. Để đầu tư đạt được thành tích tại 2 đấu trường lớn nhất, ngành thể thao Việt Nam xác định còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, việc phát triển thể thao thành tích cao không phải chỉ trong ngày một, ngày hai là có ngay các nhà vô địch Olympic và châu Á. Thể thao Việt Nam cần một quá trình cần một hệ thống bài bản, từ việc phát triển giáo dục thể chất rồi việc xác định môn nào là trọng điểm, cần phải có hệ thống tuyển chọn ở 63 tỉnh, thành và gần như ngay ở các cấp, từ cấp tiểu học đã phải có hệ thống thi đấu, từ đó mới lựa chọn được nhiều tài năng cho Thể thao Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hội thảo hướng tới Thể thao Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm quý, tạo được sự đồng thuận trong xã hội để phát triển thể thao thành tích cao; các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng sẽ là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm là những khó khăn, vướng mắc của Thể thao Việt Nam để từ đó cùng luận bài, tìm cách tháo gỡ. Ngành thể thao cần phân tích để thấy rõ được nguyên nhân của những thành công và những tồn tại, hạn chế mà qua việc tham dự các kỳ Đại hội, gần đây nhất là tại Asiad 19, từ đó rút ra bài học cần thiết. Đặc biệt, cần phải xem lại quy trình từ công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện và thực sự tìm ra đội ngũ những người thầy, chuyên gia giỏi cho công tác huấn luyện. Ngoài ra, cần kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh nếu việc huấn luyện chưa thực sự hiệu quả”.
Thể thao Việt Nam cần chuyển hoá "vàng" từ SEA Games sang Asiad và Olympic
Kinhtedothi – Sau hơn hai tuần tranh tài sôi nổi, Asiad 19 đã chính thức khép lại, Đoàn Thể thao Việt Nam đứng thứ 21 khi giành 27 huy chương, trong đó có 3 HCV, 5 HCB và 19 HCĐ.
Thể thao Việt Nam miệt mài đi tìm vé dự Olympic Paris 2024
Kinhtedothi – Sau Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19), Thể thao Việt Nam tiếp tục đi tìm những tấm vé tham dự Olympic Paris 2024.
Bình chọn 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023
Kinhtedothi – Sáng 5/12, Bộ VHTT&DL tổ chức Họp báo Bình chọn 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023.