Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Thu, chi ngân sách nhà nước: Tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu

Kinhtedothi - Thực tế giám sát vừa qua của Thường trực HĐND TP Hà Nội tại một số đơn vị cho thấy, trong khi thu ngân sách đạt khả quan thì kết quả chi ngân sách còn khá khiêm tốn.

Nếu không tăng tốc với giải pháp hiệu quả thì khó hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Chậm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Mai Xuân Vinh, ước cả năm, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên toàn TP sẽ đạt 101,4% dự toán HĐND TP giao; thu NSNN tại các quận, huyện, thị xã ước thực hiện đạt 114% dự toán. Trong khi nguồn thu dự báo tốt thì chi ngân sách cả năm ước thực hiện chỉ đạt 99% dự toán HĐND TP giao đầu năm. Trong đó, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) 8 tháng năm 2017 tại cấp TP mới đạt 41%, cấp huyện mới đạt 58%.

Thi công đường Đường vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến Giáp Bát. Ảnh: Phạm Hùng

Điển hình tại Thanh Trì, hết 8 tháng, khối lượng giải ngân mới đạt 28,23% kế hoạch vốn giao. Tại Phú Xuyên, với tổng kế hoạch vốn 77,8 tỷ đồng để triển khai 3 dự án sử dụng ngân sách TP, hết 8 tháng mới thực hiện và giải ngân 29%, trong đó dự án xây dựng hạ tầng thoát nước khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội mới giải ngân 7,1 tỷ đồng/53,389 tỷ đồng kế hoạch vốn giao do vướng GPMB.

Đáng chú ý, theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam, trong thực hiện đầu tư công, đến hết tháng 9, dù TP đã hoàn thành 52 công trình nhưng vẫn còn 24 dự án phải tạm dừng thi công do vướng GPMB hoặc phải điều chỉnh, chủ yếu là những dự án sử dụng vốn XDCB tập trung TP. Đến 30/9, tổng giá trị giải ngân vốn kế hoạch đầu tư toàn TP đạt 17.060 tỷ đồng, bằng 49,5% kế hoạch giao, trong đó, vốn XDCB tập trung cấp TP còn thấp hơn (chưa đến 40%).

Sớm gỡ vướng

Lãnh đạo Sở Tài chính nhận định, một nguyên nhân quan trọng làm chậm chi ngân sách, đặc biệt giải ngân vốn đầu tư XDCB là việc xây dựng và phê duyệt một số chương trình, đề án còn chậm. Một số sở chưa kịp thời hoàn thiện hồ sơ đặt hàng chi thực hiện cung cấp dịch vụ công ích đô thị như vận tải, chiếu sáng công cộng, cây xanh…

Còn theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền, việc chậm trễ cơ bản nằm ở nguồn vốn của TP, chậm ở các sở, ngành. Để khắc phục, ông Quyền đề xuất khoanh lại những dự án tồn đọng từ nhiều năm, dành thời gian giải ngân những dự án mới triển khai. Đồng thời, cần có cơ chế không bố trí vốn GPMB cho từng dự án, mà bố trí một nguồn tập trung để chủ động, trong ghi kế hoạch thì thực hiện luôn khâu chuẩn bị dự án nhằm thúc đẩy giải ngân.

Để tránh nợ vốn XDCB, các đại biểu HĐND TP đề nghị UBND TP sớm chỉ đạo các sở rà soát những dự án cấp TP; quận, huyện rà soát các dự án chậm giải ngân, từ đó xác định thứ tự ưu tiên giải ngân theo nguồn lực. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Phạm Thị Thanh Mai nhận định: “Tính kịp thời rất quan trọng trong mua sắm công, không chỉ ở điều hòa, máy tính cho cán bộ, mà quan trọng hơn là mua bàn ghế cho học sinh, thiết bị cho bệnh viện… Thực tế một số đơn vị chưa kịp thời đáp ứng nhiệm vụ, buộc chúng ta phải xem lại, có cần gắn việc mua sắm tập trung với nhiệm vụ chi, tiền cấp nào do cấp đó thực hiện?”.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị rà soát những mặt hàng, công việc đặc thù cần thiết thì xác định lại trên quan điểm: TP xây dựng kho cơ sở dữ liệu về giá thị trường, coi đó là mức “trần” cho các đơn vị. Các sở chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật định mức tối thiểu cho từng loại thiết bị, mặt hàng cụ thể để làm “sàn”. Trên cơ sở “trần” và “sàn”, sở, ngành sẽ đôn đốc, giám sát, như vậy sẽ đáp ứng tính kịp thời”.

Chỉ hơn 2 tháng nữa hết năm 2017, Sở KH&ĐT cần khẩn trương, quyết liệt rà soát, đôn đốc để đảm bảo tiến độ đầu tư công theo quy định, vì đến cuối tháng 9, trong 117 dự án và nhóm dự án khởi công mới giai đoạn 2017 - 2020, TP vẫn còn 38 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong khi đến 31/10/2017 phải hoàn thành.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ