Thursday, 09:31 22/09/2016
Thủ phủ nhựa tái chế “bức tử” môi trường tại Sóc Sơn
Hầu hết các cơ sở sản xuất này đều tự ý xây dựng nhà xưởng kiên cố trái phép trên đất ở, đất nông nghiệp thuê, thầu trái thẩm quyền nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại
Hiện nay, trên địa bàn xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội có hàng chục cơ sở giặt tải, sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát đang ngày đêm nhả khói, xả nước thải, bất chấp quy định về bảo vệ môi trường.
Phế thải bủa vây thủ phủ nhựa tái chế ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.(Ảnh: Mai Mạnh/Vietnam+) |
Hầu hết các cơ sở sản xuất này đều tự ý xây dựng nhà xưởng kiên cố trái phép trên đất ở, đất nông nghiệp thuê, thầu trái thẩm quyền nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại, và không bị xử lý triệt để khiến người dân chỉ biết… kêu trời.
Từ xa, dấu hiệu rõ rệt nhất để nhận biết những cơ sở sản xuất “đầu độc” môi trường này là hàng loạt cột khói đen cuồn cuộn bốc lên trời.
Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Tiên Dược, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 100 cơ sở giặt tải, sản xuất gioăng kính và nhựa tái chế tự phát, sử dụng đất không đúng mục đích, phát sinh chất thải nguy hại, nguy cơ cháy nổ cao và gây ô nhiễm môi trường.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cũng cho thấy, phần lớn các hộ tái chế nhựa trong làng đều không có hệ thống xử lý khí thải. Theo đó, khói từ việc đốt nhựa được nhả trực tiếp ra môi trường, cuồn cuộn bốc lên trên, bốc mùi khét lẹt.
Trong khi đó, nguồn nước thải đục ngầu, đặc quánh bùn đất do quá trình giặt rửa bao tải và tẩy màu, không qua xử lý cũng được chủ cơ sở này xả thải trực tiếp ra đồng theo kênh mương, bốc mùi hôi thối.
Trước thực trạng hàng loạt cơ sở sản xuất nhựa tái chế tại xã Tiên Dược tự ý xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường, từ đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm. Vậy nhưng, nhìn vào kết quả thực hiện thì chỉ đạo của huyện này chẳng khác nào “lời nói gió bay.”
Lý do là, sau hơn 2 năm, hàng chục công trình thuộc diện phải cưỡng chế, tháo dỡ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt.” Trong khi cơ quan chức năng địa phương thì “làm ngơ” cho sự tồn tại phi pháp và ngang nhiên hoạt động của các cơ sở sản xuất đang ngày đêm hủy diệt môi trường.