Wednesday, 21:21 28/03/2018
Thủ tướng quyết phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam
Kinhtedothi - Quyết định cuối cùng về phương án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 28/3.
Theo đó, tại cuộc họp, một trong những nội dung quan trọng trong là bàn về phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất. Về nội dung trên, ADPI - Công ty tư vấn độc lập của Pháp đã đưa ra 6 đề xuất phương án mở rộng sân bay Tân Sân Nhất.
Phương án thứ nhất là mở rộng sân bay về phía Bắc. Theo phương án này, sân bay sẽ xây dựng các công trình gồm đường cất hạ cánh dài 2.600m x 45m, hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay đồng bộ; nhà ga hành khách công suất 40 triệu hành khách/năm. Sau khi mở rộng, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất 70 triệu hành khách/năm.Phương án thứ hai cũng là mở rộng sân bay về phía Bắc với các công trình gồm nhà ga hành khách công suất 20 triệu hành khách/năm, hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay. Sau mở rộng, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt công suất 50 triệu hành khách/năm.Đặc biệt, ADPI đưa ra 4 phương án mở rộng sân bay về phía Bắc và phía Nam khác. Các phương án này cũng đưa ra các công trình cần xây dựng gồm nhà ga hành khách công suất 20 triệu hành khách/năm phía Nam cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay đồng bộ. Công suất Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt 50 triệu hành khách/năm.Cùng với việc đưa ra các phương án, ADPI cũng xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá ưu và nhược điểm của từng phương án. Theo kiến nghị của đơn vị tư vấn độc lập trên thì không lựa chọn phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 70 triệu hành khách/năm và phương án mở rộng về phía Bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm. ADIP kiến nghị, cần lựa chọn phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc với công suất 50 triệu hành khách/năm.Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đã quyết định lựa chọn phương án mở rộng về phía Nam và phía Bắc với công suất 50 triệu hành khách/năm. Phương án này đảm bảo được các yêu cầu đề ra như tuân thủ các quy định về hàng không, tiết kiệm kinh phí đầu tư, thời gian xây dựng nhanh đáp ứng yêu cầu cấp bách giảm ùn tắc tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất.Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao ADIP đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng về việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất đồng thời lưu ý việc kết nối đồng bộ hệ thống giao thông và hạ tầng liên quan trong và ngoài Cảng hàng không với các hệ thống chính của TP.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Công ty tư vấn và các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt; đề xuất phương án để triển khai có hiệu quả phương án điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp với TP Hồ Chí Minh quy hoạch và triển khai xây dựng các các công trình hạ tầng kết nối sân bay, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư.Theo đề xuất của ADIP, sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200.000m2 với mục tiêu có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía Nam trên phần đất quốc phòng hiện hữu. Theo đề xuất này, tổng vốn nếu thực hiện sẽ vào khoảng 18.000 tỷ đồng. Còn đối với diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.Phương án trên sẽ giảm diện tích đất phải thu hồi, khoảnh cách giữa các nhà ga gần hơn cùng với giảm chi phí và thời gian thi công. Bên cạnh đó, đảm bảo quy trình khai thác kết nối giữa các nhà ga và quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất cho các đơn vị. Nếu xây dựng nhà ga có thể phục vụ được 20 triệu hành khách ở phía Bắc thì kinh phí sẽ lớn hơn rất nhiều và khu vực nhà ga sẽ bị chia cắt, làm giảm công suất hạ cất cánh.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, phương án này đã được thảo luận công khai minh bạch và cơ bản TP Hồ Chí Minh đã đồng ý. Hơn nữa, phương án này đảm bảo hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ nêu trên.