Wednesday, 10:03 07/09/2016
Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đột phá tư duy, chủ động kết nối
Kinhtedothi - Đánh giá về tình hình triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ ngày 28/4/2016, Bộ KH&ĐT cho rằng có nhiều địa phương đã tích cực, nhưng vẫn có những nơi làm kiểu đối phó.
Ghi nhận ý kiến của nhiều DN cho rằng: Vấn đề DN mong muốn vẫn là quyết tâm ở T.Ư cần lan tỏa, sớm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tới các cấp, ngành và địa phương, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính. Những ý kiến từ doanh nghiệp “Tại sao trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2011, chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi được tình trạng trì trệ và phục hồi rất chậm? Nguyên nhân lớn nhất là chúng ta chưa giải quyết được một cách thực chất những vấn đề lớn của nền kinh tế” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu ý kiến. Chủ tịch VCCI dẫn chứng một thực tế việc thực hiện Nghị quyết 19 (2014/2015), một nghị quyết mang tính đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, sau 2 năm thực hiện chỉ có 13/63 địa phương và 4/22 bộ, ngành có gửi báo cáo kết quả thực hiện về Chính phủ. “Nhiều giải pháp đúng, nhưng chúng ta triển khai chậm trễ và không đến nơi đến chốn, nên môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều như kỳ vọng. Những rào cản đối với hoạt động đầu tư kinh doanh còn nhiều, thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo” - ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn thẳng thắn, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đặt quyết tâm cao nhưng có thể thấy nhiều vướng mắc, khó khăn của DN chưa được giải quyết theo yêu cầu của Nghị quyết 19. Khung pháp luật về hoạt động đầu tư, kinh doanh vẫn tồn tại bất cập làm cản trở các nhà đầu tư tiếp cận thị trường. Những hạn chế đó xuất phát trước hết từ nhận thức của bản thân cán bộ, công chức khi còn nặng tư tưởng và cố níu kéo cơ chế “xin - cho”; Chưa quán triệt được tinh thần lấy phục vụ, trợ giúp, đồng hành với DN phát triển… “Trong thời gian tới, cộng đồng DN kỳ vọng những việc cụ thể đã được Chính phủ nêu ra phải được thực hiện rốt ráo, quyết liệt, có hiệu quả thiết thực chứ không chỉ là hô hào. Theo đó, trước hết, cần tạo được sự chuyển biến thực sự trong nhận thức của cán bộ, công chức về việc hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…” - ông Phạm Đình Đoàn nêu ý kiến. Hà Nội hiện thực hóa quyết tâm Trong số những bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai Nghị quyết 19, Hà Nội được đánh giá là địa phương sớm có kế hoạch triển khai, các nội dung bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết; phù hợp với cách tiếp cận theo thông lệ quốc tế. Theo Kế hoạch số 147/KH-UBND của TP Hà Nội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh 2 năm 2016 - 2017 và định hướng đến năm 2020 TP đã đề ra 7 giải pháp trong quá trình triển khai. Trong đó chú trọng đến việc rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN; Cải thiện việc tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN (đất đai, vốn, lao động, công nghệ); Giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh (thuế, hải quan, BHXH, điện năng); Tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực sẵn sàng hội nhập quốc tế;… Điển hình là trong lĩnh vực thuế, có hơn 96% số DN, tổ chức thực hiện kê khai qua mạng; hơn 95,7% số DN đăng ký nộp thuế điện tử;… Ngành thuế cũng phối hợp triển khai một loạt các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế như: Cổng giao tiếp điện tử, nộp thuế trước bạ ô tô, xe máy, hoàn thuế điện tử… Ngành hải quan bên cạnh việc triển khai thí điểm điểm kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đã thực hiện vận hành thông suốt hệ thống VNACCS/VCIS (Hệ thống thông quan tự động, một cửa quốc gia)… Ngoài ra các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cải cách thủ tục cấp phép xây dựng, giảm thời gian cấp điện cho DN… cũng đã có những chuyển biến tích cực. Mục tiêu tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô đã và đang được triển khai bằng những hành động cụ thể. Những hành động này đang ngấm dần tới DN.
Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |
Đến nay, Hà Nội đã thực hiện đăng ký thành lập mới DN qua mạng trong 2 ngày và phấn đấu giải quyết hồ sơ qua mạng chiếm 30 – 40%; Thời gian thực hiện việc cấp phép trong thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký DN với nhà đầu tư nước ngoài rút ngắn 20 – 60%, nhà đầu tư chỉ cần đến 1 điểm và mất 10 ngày để nhận cả 2 loại giấy này (giảm 8 ngày) so với quy định hiện hành. TP cũng tập trung xây dựng vườn ươm DN khởi nghiệp về công nghệ, đổi mới sáng tạo... |