Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tích hợp mã số thuế vào căn cước công dân: Chống gian lận thuế

Kinhtedothi - Việc tích hợp căn cước công dân và mã số thuế mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về thu thuế. Đảm bảo việc thu thuế được đầy đủ, chính xác, minh bạch, chống gian lận thuế.

Đây là ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) với Báo Kinh tế & Đô thị.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Giải pháp đột phá cải cách hành chính

Hiện Tổng cục Thuế đang đẩy nhanh tiến độ tích hợp thay đổi toàn bộ mã số thuế bằng số căn cước công dân. Ông có ý kiến gì về phương án này?

- Tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), có nội dung là dùng số căn cước công dân làm mã số thuế, bỏ mã số thuế cá nhân. Điều này có nghĩa là sau khi tích hợp thành công mã số thuế cá nhân vào số căn cước công dân thì chỉ cần xuất trình căn cước công dân trong mọi giao dịch liên quan đến thu nhập tài chính cơ quan quản lý thuế sẽ thu được luôn thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp phải đóng thuế.  

Đây là một nội dung quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính và khi người dân được cấp căn cước công dân sẽ được coi như được cấp mã số thuế. Là quy định hoàn toàn mới mẻ, có tính đột phá, nên việc thực thi quy định này cũng sẽ có những khó khăn ban đầu. Để thực hiện kế hoạch này cần tiến hành đồng bộ dữ liệu về thuế với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và làm sạch dữ liệu.

Tính đến nay, ngành thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân, chủ hộ, cá nhân kinh doanh, người phụ thuộc. Nhưng khi rà soát, đối chiếu thì cơ quan thuế phát hiện nhiều trường hợp đã chết hoặc mất tích chưa được ngành thuế cập nhật kịp thời. Điều này gây khó khăn ban đầu cho các cơ quan chức năng.

Theo ông, việc tích hợp này mang lại lợi ích gì cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản Nhà nước?

- Đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của mọi công dân vì thuế là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách Nhà nước để đảm bảo các phúc lợi xã hội cho người dân. Việc tích hợp căn cước công dân và mã số thuế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Việc tích hợp này tạo thuận tiện cho người nộp thuế là cá nhân chỉ sử dụng một mã duy nhất, tạo thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tránh trường hợp một người có nhiều hơn một mã số thuế hay tình trạng không có mã số thuế do chưa kê khai, mã số thuế không còn hiệu lực, … Ngân hàng cũng dễ dàng quản lý thông tin đăng ký tài khoản, liên kết tài khoản với cơ quan thuế và hỗ trợ nộp thuế.

Đối với các các quan quản lý Nhà nước, đặc biệt trong thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần, rút gọn các thủ tục hành chính rườm rà; đồng bộ, đồng nhất và cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến từng cá nhân, dễ dàng cho việc quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm ví dụ như tội trốn thuế…

Tổng cục Thuế đang xúc tiến đẩy nhanh tiến độ tích hợp thay đổi toàn bộ mã số thuế bằng số căn cước công dân.

Minh bạch thông tin người nộp thuế

Sau khi tích hợp, giải pháp này có giúp cho cơ quan Thuế hạn chế được tình trạng thất thu Thuế không, thưa ông?

- Việc tích hợp căn cước công dân và mã số thuế mang lại nhiều lợi ích cho các cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước về thu thuế, đảm bảo việc thu thuế được đầy đủ, chính xác, minh bạch; chống gian lận thuế.  Việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân sẽ giúp việc quản lý Nhà nước được chặt chẽ, chính xác, đồng bộ, cũng hạn chế được tối đa tình trạng cá nhân không còn nhưng mã số thuế vẫn ở trạng thái đang hoạt động (do không được khai báo chấm dứt hiệu lực mã số thuế), góp phần liên thông giảm bớt các thủ tục hành chính, mang lại sự tiện lợi to lớn cho người dân.

Đồng thời việc tích hợp này còn hạn chế tối đa được tình trạng trốn thuế, gian lận thuế thông qua việc lợi dụng một số kẽ hở của chính sách trong thời gian. Là xu hướng tất yếu trong tiến trình chuyển đổi số công tác thuế và toàn diện xã hội hiện nay.

Để việc tích hợp này đảm bảo tiến độ, không gây phiền hà, theo ông phương pháp tích hợp nên triển khai như thế nào? Đối với người dân, doanh cần phải làm gì?

- Để chuẩn bị cho lộ trình này, cơ quan Thuế các cấp cần rà soát, chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân đảm bảo cập nhật chính xác trước mắt 3 thông tin: Họ và tên, số căn cước công dân hoặc số chứng minh Nhân dân còn hiệu lực, hoặc số định danh đối với cá nhân chưa có căn cước công dân hoặc chứng minh Nhân dân, ngày tháng năm sinh của cá nhân vào dữ liệu mã số thuế.

Các cơ quan Nhà nước cần nâng cấp ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, an toàn thông tin khi kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Đồng thời, đảm bảo duy trì, vận hành ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, ổn định đảm bảo dữ liệu được cập nhật kịp thời từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư sang cơ sở dữ liệu quản lý thuế.

Đối với cá nhân cần tiến hành định danh điện tử, thực hiện theo đúng, kịp thời quy định của các cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Đối với các doanh nghiệp, thúc đẩy người lao động thực hiện các chính sách, chủ trương, đề án của Chính phủ, đồng thời hỗ trợ người lao động, cơ quan nhà nước trong việc định danh điện tử và tích hợp với mã số thuế nhằm đảm bảo tính khả thi và tiến độ thực hiện đề án. Góp phần phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia hiện nay.

Xin cảm ơn ông !

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ