Saturday, 12:17 08/07/2017
Tiêu điểm kinh tế tuần: Không cấp thêm vốn cho 12 dự án thua lỗ
Kinhtedothi - Không cấp thêm vốn cho 12 dự án thua lỗ, Vinachem xin khoanh nợ vay 250 triệu USD từ Trung Quốc, phát hiện hơn 42.000 tỷ đồng vi phạm về kinh tế.
Không cấp thêm vốn cho 12 dự án thua lỗ
Tính đến ngày 31/12/2016, có 10 nhà máy đang hoạt động hoặc phải dừng sản xuất lỗ luỹ kế là 16.126 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.956 tỷ đồng, trong đó nhiều doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc sẽ tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
“Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm minh, sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng của pháp luật, không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quản lý điều hành” - Phó Thủ tướng kiên quyết.
Về hiện trạng "sức khỏe" của 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, hiện có 6 nhà máy đang vận hành sản xuất kinh doanh nhưng bị thua lỗ, gồm Nhà máy đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất và Nhà máy thép Việt Trung.
3 dự án bị dừng thi công do chi phí tăng cao, thiếu vốn là dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và Công ty Bột giấy Phương Nam.
3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Bình Phước và Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ (PVTex).
Kết luận sai phạm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Tại kỳ họp này, UBKT T.Ư đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương.
Theo đó, UBKT T.Ư kết luận, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã có một số vi phạm, khuyết điểm.
Theo đó bà Thoa đã vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.
Bà Thoa cũng đã thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận.
Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản.
Nữ Thứ trưởng Hồ Thi Kim Thoa cũng được xác định là mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty.
Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, bà Thoa trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Từ những vi phạm trên, UBKT T.Ư kết luận, vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Vinachem xin khoanh nợ vay 250 triệu USD từ Trung Quốc
Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình trị giá 250 triệu USD với thời hạn vay 15 năm. Tính đến ngày 31/3/2017, dư nợ của khoản vay là 162,5 triệu USD (đã trả nợ gốc 7 kỳ với tổng số tiền 87,5 triệu USD).
Tại công văn ngày 27/2/2015, đối với khoản vay này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến “yêu cầu Vinachem thực hiện trả nợ vốn vay, lãi, phí của khoản vay theo đúng Hợp đồng vay đã ký. Trường hợp không tự cân đối để trả nợ, Tập đoàn báo cáo Bộ Tài chính, Công Thương xử lý theo quy định”.
Liên quan tới khoản vay này, Bộ Công Thương cho rằng, Vinachem không cân đối đủ dòng tiền để trả nợ tại các dự án (dự án nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án muối mỏ kali tại Lào).
Do đó, Bộ Công Thương đã đề xuất Thủ tướng cho phép Vinachem trước mắt chủ động huy động, cân đối mọi nguồn tài chính để thanh toán cho các ngân hàng theo quy định; chủ động đàm phán với các tổ chức tín dụng để được khoanh nợ.
Trường hợp China Eximbank không đồng ý, đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan cho vay lại là Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) nghiên cứu, cân đối để có nguồn trả nợ cho China Eximbank. Tiếp đó, thực hiện các nghiệp vụ cần thiết và yêu cầu chủ đầu tư phải ưu tiên thanh toán cho BIDV khi có nguồn tài chính.
Phát hiện hơn 42.000 tỷ đồng vi phạm về kinh tế
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 42.109 tỷ đồng và 168 ha đất, song mới chỉ kiến nghị thu hồi 8.875 tỷ đồng và 80 ha đất. Cơ quan thanh tra cũng đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý 33.235 tỷ đồng và 88 ha đất, ban hành 26.331 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 6.992 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với những vi phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 259 tập thể, 2 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra xử lý 23 vụ việc, 49 đối tượng.
Về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua kiểm tra nội bộ đã phát hiện 1 vụ, 3 đối tượng tại địa bàn Sóc Trăng. Cộng với hoạt động thanh tra, phát hiện thêm 3 vụ, 4 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tại An Giang có 1 vụ với 3 đối tượng; Hà Giang có 1 vụ, 1 đối tượng và Sóc Trăng có 1 vụ).
Trước Chính phủ, ngành thanh tra tự nhận xét: Công tác phòng, chống tham nhũng chưa được tập trung cao, còn thiếu quyết liệt, tình hình tham nhũng chưa được đẩy lùi, còn phức tạp, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả thực tế.