Tìm đường xuất khẩu cho nông sản Hà Nội
Kinhtedothi - Với quy mô sản xuất đứng top đầu của cả nước, Hà Nội có sản lượng và chủng loại nông sản rất đa dạng, dồi dào. Việc đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ đặt ra không chỉ riêng đối với ngành nông nghiệp.
Xuất khẩu nông sản đạt hơn 1,35 tỷ USD
Trong lĩnh vực sản xuất gia vị, Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và Tư vấn môi trường (DACE) được xem là đơn vị tiên phong xuất khẩu. DN chuyên sản xuất các sản phẩm gia vị, gia vị hữu cơ từ gừng, nghệ, quế, hồi, tỏi, ớt, sả.
“Hiện, sản phẩm của DACE đã được xuất khẩu sang Mỹ, một số nước châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 300 tấn quế khô, 200 tấn hồi khô, 500 tấn gừng tươi, 100 tấn nghệ khô và 200 tấn ớt chỉ thiên tươi…” - ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc DACE chia sẻ.
Cũng đóng trên địa bàn Hà Nội giống như DACE, Công ty CP tập đoàn Minh Tiến Berest có 1 nhà máy chế biến cà phê với năng lực cung cấp lớn. Hiện, trung bình mỗi năm DN này xuất khẩu hàng ngàn container cà phê.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Hà Tiến Nghi cho biết, DACE và Minh Tiến Berest là 2 trong tổng số 250 DN có hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
“Giá cả và tiêu chuẩn chất lượng là 2 yếu tố rất được quan tâm ở UAE cũng như nhiều quốc gia Trung Đông. Đây là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung cần lưu tâm…” - Ông Trương Xuân Trung, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại UAE.
“Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, các DN đã đóng góp tích cực vào tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Hà Nội với hơn 1,35 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2022…” - ông Nghi thông tin thêm.
Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội là quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt), chè xanh, chè đen, cà phê. Ngoài gia vị, đồ uống còn có các loại lương thực, thực phẩm như rau, củ, quả, trái cây, gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn…
Khu vực Đông Á là thị trường có số DN tiếp cận xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn nhất với 69 DN; tiếp đến là thị trường châu Âu, Mỹ (59 DN), khu vực Nam Á (50 DN), khu vực Đông Nam Á (19 DN) và khu vực Trung Đông (13 DN).
Chất lượng là yếu tố tiên quyết
Theo ông Hoàng Vĩnh Long, Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam, Hà Nội hiện có 59 DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè xanh, chè đen. Tổng sản lượng đạt trên 20.000 tấn/năm, chiếm 16 - 18% tổng sản lượng chè xuất khẩu của cả nước.
Dù vậy, thách thức trong xuất khẩu chè hiện nay rất lớn, khi thị trường đang có nhiều đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya, Sri Lanka… Thị trường nhập khẩu cũng thay đổi liên tục và ngày càng thắt chặt quy định về tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Trương Xuân Trung, Phụ trách thương vụ Việt Nam tại UAE, đánh giá UAE là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho nông sản Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Điều này đến từ quy mô nông nghiệp của quốc gia này chỉ chiếm 0,9% trong cơ cấu kinh tế, nên gần như 100% nông sản tiêu thụ trong nước đều phải nhập khẩu.
Tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng theo ông Trung, để tiếp cận thì không dễ bởi tính cạnh tranh rất cao ở một thị trường mở như UAE. “Các DN hay Việt Nam nói chung có thể xuất khẩu nông sản vào UAE thì các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesia cũng có thể làm được điều này” - ông Trung nhìn nhận.
Để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội thường xuyên tổ chức hoạt động tập huấn, phổ biến các quy định, rào cản thị trường trọng điểm, các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP tới các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản.
Nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đóng trên địa bàn Hà Nội cũng đã có cơ hội được tham gia các chương trình kết nối xúc tiến thương mại; tham gia các đoàn học tập, trao đổi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của Hà Nội nói riêng tại nước ngoài.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến năng lực xuất khẩu, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cần thiết phải chuẩn hoá sản phẩm. Khi sản phẩm bảo đảm an toàn chất lượng thì cơ hội đáp ứng được các yêu cầu hàng rào kỹ thuật sẽ lớn hơn; từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Hà Nội, ông Tạ Văn Tường đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… Thường xuyên tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết vùng, xúc tiến xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tư vấn cho doanh nghiệp về phát triển thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp và xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, Bộ NN&PTNT cũng cần quan tâm đến hỗ trợ các địa phương (bao gồm cả Hà Nội) trong xây dựng chiến lược, định hướng sản xuất, kinh doanh để tiếp cận những thị trường xuất khẩu tiềm năng.
“Quá trình tiếp cận thị trường xuất khẩu, chúng tôi nhận thấy vai trò, ý nghĩa lớn của các chứng nhận quốc tế. Hiện, với 4 chứng nhận hữu cơ, sản phẩm của chúng tôi có thể xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính. Theo đuổi chứng nhận bền vững có thể tạo ra giá trị cao hơn…” - Bà Trần Thị Phương Liên, giám đốc chứng nhận Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Quế Hồi Việt Nam.
Hà Nội sẽ có Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp vào năm 2025
Kinhtedothi - Theo Kế hoạch số 254/KH-UBND vừa được ban hành, UBND TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, xây dựng và vận hành thành công Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.
Giám sát việc thực hiện công trình trọng điểm lĩnh vực nông nghiệp
Kinhtedothi-Ngày 27/10, Đoàn giám sát số 1 của HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở NN&PTNN về việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025.
Sản xuất nông nghiệp chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu
Kinhtedothi- Hiện tượng El Nino vẫn tiếp tục kéo dài, do đó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt của các địa phương.