Tố Như hóa nàng thơ trong huyền thoại cổng làng
Kinhtedothi - Trở về sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, Tố Như trở thành gương mặt được săn đón của các nhà thiết kế Việt.
Sở hữu gương mặt khả ái, thần thái thu hút và vóc dáng gợi cảm, top 10 Hoa hậu Việt Nam 2016 ngày càng chứng tỏ được bản lĩnh trên các sàn diễn thời trang. Thêm vào đó, cô cũng là gương mặt được các nhãn hàng tin tưởng.
Mới đây, Tố Như bất ngờ lọt vào mắt xanh của nhà thiết kế (NTK) Lan Hương. Sau khi casting, người đẹp đến từ Thái Nguyên nhanh chóng khiến NTK hài lòng. Cô thậm chí còn được ví là nàng thơ mới của NTK nổi tiếng kỹ tính và cầu toàn.
Vẻ đẹp khả ái, vừa phảng phất truyền thống, vừa rất mực tươi mới của Tố Như nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khi cô xuất hiện trên sàn diễn, đặc biệt là trong các thiết kế áo dài thuộc chủ đề "Cổng làng" của NTK Lan Hương.
Sau các bộ sưu tập đình đám như: “Huyền thoại Đông Hồ”, “Phố cổ Hà Nội”, “Hồn Sen Việt”, “Sắc màu Tây Bắc”, “Hương sắc Việt Nam”…, tại Festival Áo dài Hà Nội 2016 - Nghệ nhân áo dài Lan Hương tiếp tục cho ra mắt bộ sưu tập đặc sắc với chủ đề “Cổng làng”.
Hà Nội rất đặc biệt khi trong “Phố” có “Làng”. Và phía sau mỗi cổng làng là một cuộc sống thanh bình, là phiên chợ quê, những câu ca dao, đồng dao, mục đồng thổi sáo, nét sinh hoạt thị dân, phong tục tập quán, làng nghề, làng cốm, làng lúa, làng hoa…tất cả tụ hội để tạo nên một hồn quê đất Việt, một chiều sâu văn hóa, một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của Hà Nội xưa - chốn Kinh kỳ nghìn năm văn hiến.
Và Lan Hương đã chuyển tải những nét đẹp nhuốm màu thời gian ấy thật lung linh, thật huyền ảo, thật sinh động trên những tà áo dài mang chủ đề “Cổng làng”.
Với những ý tưởng sáng tạo độc đáo của mình, trên nền phác thảo của các họa sĩ Hà Nội, nghệ nhân dòng tranh Hàng Trống; sự góp mặt của nghệ nhân mỹ nghệ kim hoàn Định Công, mây tre đan Phú Vinh, sản phẩm tơ lụa của Làng nghề Vạn Phúc, nét thêu tinh tế của những người con dân làng nghề thêu Quất Động nổi tiếng, có thể nói, mỗi tà áo dài của nghệ nhân Lan Hương ra đời thực sự là một tác phẩm nghệ thuật kết tinh các giá trị truyền thống cốt lõi; là sự hội tụ và tỏa sáng nét tài hoa của nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề, phố nghề đất Kinh kỳ xưa.
Để làm nên bộ sưu tập độc đáo này, ngoài việc sử dụng chất liệu 100% tơ tằm truyền thống của làng lụa Vạn Phúc, điều đặc biệt ở đây là mỗi tấm lụa để tạo nên một tác phẩm được làm theo ý tưởng của nghệ nhân, từ khâu thiết kế, phục dựng mẫu xưa đến nhuộm màu và đặt hàng dệt để mỗi chiếc áo dài được tạo nên từ một tấm vải độc nhất vô nhị. Và để có được một tấm lụa sang trọng, mềm mại như thế, cần đầu tư biết bao công sức và thời gian.
Không thể không nhắc đến các công đoạn của những người nông dân, người thợ trong nuôi tằm - lấy kén - se tơ - quay tơ - dệt - phơi - nhuộm với các công đoạn chặt chẽ. Rồi sau khi có tơ ở dạng thô, người thợ chọn tơ, đẽo tơ, mắc tơ thành loại sợi dọc, sợi ngang để dệt.
Kỹ thuật dệt là công đoạn quan trọng, nhưng với mặt hàng Tuýt - xo (hay còn gọi là đũi thô, là sản phẩm được dệt từ những sợi thô của con tằm) lại càng khó hơn vì phải chọn và dùng sợi mốt đẹp, se lại, dệt to 4 - 5lần, kỳ công hơn so với dệt lụa thông thường.
Hơn mười năm trăn trở, tâm huyết và đồng hành cùng áo dài đã đủ để Lan Hương làm nên một thương hiệu và giờ đây, chị vẫn đang tiếp bước trên con đường chinh phục áo dài để thỏa mãn sự đam mê.
Áo dài Lan Hương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và thời trang hiện đại, chị vẫn luôn mong ước sẽ tiếp tục nỗ lực sáng tạo để cho ra đời những mẫu thiết kế, những bộ sưu tập mang phong cách và ấn tượng Lan Hương, hướng tới thời trang hội nhập nhưng vẫn luôn giữ được nét đẹp duyên dáng của tà áo dài truyền thống Hà Nội xưa.
Tags