Tọa đàm tìm giải pháp ngày càng thu hút khách cho Bảo tàng Hà Nội
Kinhtedothi – Với nhiều đổi mới trong hoạt động trưng bày, công tác chuyên môn, Bảo tàng Hà Nội ngày càng thu hút khách tham quan. Qua đó, Bảo tàng Hà Nội đã giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa cốt lõi của Thủ đô.
Đó là những ý kiến các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2023-2028” vừa được tổ chức.
Toạ độ sống ảo được giới trẻ săn lùng
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách đến Bảo tàng Hà Nội sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Sau 3 tháng mở cửa trở lại đón khách tham quan, trung bình mỗi tháng Bảo tàng Hà Nội đón 12.000 đến 15.000 lượt khách/ tháng.
Đặc biệt thời gian gần đây, với không gian rộng rãi, thoáng mát, không thiếu những góc check-in xinh xắn, Bảo tàng Hà Nội trở thành nơi thu hút Gen Z. Theo Phạm Ngân Hà – học sinh Trường THPT Vinshool: Điểm hấp dẫn đầu tiên với những bạn trẻ ở Bảo tàng Hà Nội là hình kim tự tháp ngược, với việc giật cấp theo hướng rộng dần khi lên các tầng trên. Kiến trúc này hiện có một không hai ở Việt Nam. Do đó, đến với Bảo tàng Hà Nội, các bạn trẻ sẽ có những góc chụp ảnh "không đụng hàng", thỏa sức "diễn" trong khuôn viên rộng lớn hàng nghìn mét vuông.
Điểm hấp dẫn thứ hai ở Bảo tàng Hà Nội với du khách là hệ thống cầu thang đi xuống tầng hầm với những bậc cầu thang bằng đá, bức tường ốp đá trông rất bắt mắt. Chưa kể, những loại cây trang trí bên cầu thang, nhất là cây cúc tần Ấn Độ rủ xuống càng khiến những góc chụp ảnh trở nên thú vị. Bảo tàng có lối đi xuống tầng hầm dành riêng cho người khuyết tật, những lối đi này tạo thành hình dích dắc, rất "ăn hình".
Ngoài kiến trúc và trang trí bên ngoài, Bảo tàng Hà Nội còn có rất nhiều khu vực khác để cho khách “check-in”. Trong khuôn viên Bảo tàng có mô hình cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) - một chiếc cổng làng nổi tiếng. Ở một khu vực khác, Bảo tàng tái hiện một đoạn phố cổ. Tại đây có các gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề. Đây là không gian yêu thích với nhiều bạn trẻ khi không cần đi đâu xa cũng có những bức ảnh đầy tính hoài cổ.
Hiện nay Bảo tàng Hà Nội đang là điểm thu hút giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm. Bảo tàng Hà Nội được nhắc tới trong hàng loạt các hội nhóm Facebook như một địa điểm không thể bỏ lỡ khi tới Thủ đô. Tính đến tháng 10/2022, lượng truy cập hashtag #baotanghanoi trên mạng xã hội TikTok đã lên tới 4,9 triệu lượt.
Nâng cao chất lượng
Tại Tọa đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2023-2028”, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: Năm 2022, bảo tàng mở cửa đón khách trở lại với 5 trưng bày chuyên đề, gồm: “Cổ vật tiêu biểu Bảo tàng Hà Nội”; “Nếp xưa”; “Con đường”; “Hà Nội - Đất trăm nghề”; “Triển lãm nghệ thuật điêu khắc:, hội họa của họa sĩ Ngô Xuân Bính với chủ đề “Ego - Người”.
Trong tháng 12, bảo tàng tiếp tục triển khai trưng bày “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022).
“Trong tương lai, Bảo tàng Hà Nội sẽ cố gắng hoàn thiện hơn nữa để có thêm nhiều trưng bày chuyên đề hấp dẫn phục vụ công chúng trong và ngoài nước. Đặc biệt, với đội ngũ cán bộ viên chức và người lao động trẻ tuổi, nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ được đào tạo bài bản, chính quy, bảo tàng đặt quyết tâm hoàn thiện trưng bày thường xuyên để đón tiếp khách tham quan vào cuối năm 2024” - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh cùng những khó khăn, thách thức mà Bảo tàng Hà Nội cần nỗ lực vượt qua, nhằm đạt được các mục tiêu mà đơn vị đề ra.
Bảo tàng Hà Nội cần quy tụ và là địa điểm của các làng nghề tổ chức triển lãm; có không gian dành riêng cho giới trẻ sáng tạo, check in và các dịch vụ tiện ích đầy đủ để thu hút khách đến với bảo tàng.
Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt Nguyễn Trung
PGS.TS Đỗ Văn Trụ – Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam nhấn mạnh: Gần đây, Bảo tàng Hà Nội đã khắc phục khó khăn, nỗ lực, tổ chức những cuộc trưng bày thu hút công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Để Bảo tàng Hà Nội hoạt động tốt trong thời gian tới, tôi đề nghị Bảo tàng Hà Nội tập trung nhân lực, trí tuệ hoàn thành trưng bày thường xuyên; kiến nghị UBND TPchỉ đạo sát sao thực hiện dự án trưng bày; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; đẩy mạnh xã hội hóa làm tăng thêm hoạt động, trau dồi năng lực cán bộ.
Đánh giá cao việc Bảo tàng Hà Nội đã có hướng đi đúng đắn, thu hút du khách trong thời gian qua, PGS.TS. Phạm Mai Hùng- Nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách Mạng, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho hay: Để Bảo tàng Hà Nội có sức hút dài lâu, cần chuẩn bị những chuyên đề trưng bày có chiều sâu, đặc sắc, nội dung chuẩn bị kỹ . Ngoài ra Bảo tàng Hà Nội cũng cần tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh có năng lực, có ngoại ngữ để đón tiếp khách tham quan. Đồng thời vẫn phải tập trung thực hiện dự án trưng bày thường xuyên, đưa dự án về đích theo tiến độ của TP giao.
Bên cạnh những hoạt động trưng bày, Bảo tàng Hà Nội cần lưu ý xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; xuất bản ấn phẩm, catalog; kết nối với các kênh truyền thông xã hội; xây dựng hệ thống các dịch vụ tiện ích, như: Nhà hàng, quán cafe, museum shop (cửa hàng bảo tàng). Đồng thời, tăng cường liên kết với các tổ chức, cá nhân xã hội hóa các hoạt động, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên cho Bảo tàng Hà Nội.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân
Giải mã "cơn sốt" của giới trẻ tại Bảo tàng Hà Nội
Kinhtedothi - Trên mạng xã hội, trong vài tháng trở lại đây, hình Bảo tàng Hà Nội được lan truyền khá rộng rãi.