Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tôn vinh các hợp tác xã, nông dân có sáng chế tiêu biểu

Kinhtedothi - Tối 13/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ tôn vinh hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu và nông dân có sáng chế, sáng kiến năm 2016.

Cùng dự có Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các bộ, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các bộ, ngành đã trao biểu trưng tôn vinh và hoa cho 51 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác, 17 nông dân tiêu biểu. Đây là những tổ chức và cá nhân đã được Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT các địa phương lựa chọn với nhiều tiêu chí. Trong những nông dân tiêu biểu, có nhiều gương mặt trẻ.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đại diện các hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu và nông dân có sáng chế, sáng kiến năm 2016. Ảnh: VGP
Chia sẻ tại buổi lễ, anh Tạ Đình Huy (sinh năm 1983 ở thôn An Mỹ, xã Thương Vực, Chương Mỹ, Hà Nội), người sáng chế chiếc máy nông nghiệp đa năng “12 trong 1”, cho biết chưa hề được đào tạo về cơ khí và chủ yếu xuất phát từ niềm đam mê để sáng chế chiếc máy để tăng năng suất lao động cho bà con nông dân.
Thiết kế nhỏ gọn, sử dụng động cơ xe máy cũ và động cơ diezen chuyên dụng nên tiết kiệm nhiên liệu, dễ sửa chữa, thay thế phụ tùng… máy nông nghiệp đa năng của Tạ Đình Huy cho hiệu năng gấp 20 lần sức người. Đến nay, xưởng cơ khí của anh đã đưa hàng ngàn sản phẩm ra thị trường.
Một nông dân trẻ khác là anh Nguyễn Trung Lập (sinh năm 1982) ở ấp 5, xã Bình Mỹ (Củ Chi), sáng chế, cải tiến thành công bộ phận “nhịp tim” trong máy vắt sữa bò dù chưa qua trường lớp nào. Anh Lập đã cải tiến bộ phận “nhịp tim” của máy vắt sữa bình thường, giúp cải thiện tình trạng nhiễm vi sinh từ sữa mới vắt ra. Thao tác vệ sinh máy vắt sữa đơn giản hơn, giảm chi phí cho việc bảo trì, thay thế “nhịp tim”.
Trong khi đó ông Nguyễn Cao Thượng, ở Vĩnh Phước 1, thị trấn Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) lại chế ra dàn máy phun thuốc trừ sâu kết hợp sạ lúa theo hàng. Dàn máy dùng 2 động cơ xe máy cùng công suất 4,5 HP, hoạt động độc lập. Chiếc máy có thể phun thuốc bảo vệ thực vật, sạ hàng nhanh, giảm được lượng lúa giống. Dàn máy có kết cấu gọn nhẹ, công suất gieo sạ trung bình 15ha/ngày…
Trong số các HTX tiêu biểu phải kể đến HTXnông nghiệp Evergrowth, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, là HTX kiểu mới, hoạt động chính là cung cấp dịch vụ thu mua và chế biến sữa nguyên liệu, mua bán thuốc thú y và thức ăn gia súc… Sau hơn 10 năm thành lập, HTX đã có 2.900 thành viên chăn nuôi hơn 7.000 con bò sữa trên địa bàn 5 huyện. HTX đã hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp dịch vụ đầu vào cho việc chăn nuôi bò sữa và bao tiêu toàn bộ sản phẩm là sữa tươi. Với hơn 95% thành viên là đồng bào Khmer, trong đó gần 90% là các hộ nghèo. HTX đã góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân nông thôn, thành viên HTX đều thoát được nghèo nhờ nuôi bò sữa. Doanh thu năm 2015 đạt trên 196 tỷ đồng, lãi gần 16,6 tỷ đồng.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Anh Đào, ông Trần Công Thừa cho biết, để sản xuất ra một mặt hàng có sức cạnh tranh thì “chúng ta phải liên kết lại với nhau”. Một người nông dân thì không thể làm được mà cần có HTX với nhiều bộ phận hỗ trợ cho nông dân như bộ phận kỹ thuật, quy trình sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường. Ông cho rằng, hiện nay, nhiều bà con nông dân còn chạy theo lợi ích cá nhân, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, từ đó mất dần tính cạnh tranh của sản phẩm. Ông bày tỏ nguyện vọng Đảng, Nhà nước có cơ chế để tăng cường liên kết bà con nông dân để sản xuất quy mô lớn. Theo Ban tổ chức, HTX Anh Đào của ông chuyên sản xuất rau an toàn, cung cấp cho các thành phố lớn và xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu. Doanh thu mỗi năm khoảng 200 tỷ đồng.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, có khoảng 11.000 HTX, 18 liên hiệp HTX, 100.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước cùng 4.000 doanh nghiệp. Đây là những tổ chức đại diện của hộ nông dân giữ vai trò không thể thiếu trong liên kết chuỗi giá trị, từ cung cấp vật tư, đầu vào, đến quản lý quy trình sản xuất, đặc biệt trong tổ chức tiêu thụ nông sản. Các HTX, tổ hợp tác dù quy mô nào khi hoạt động có hiệu quả đều chứng minh vai trò là động lực của sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với hơn 12,8 triệu hộ làm nông nghiệp, đây là những người lao động trực tiếp sản xuất, tạo ra tăng trưởng của ngành nông nghiệp, là chủ nhân trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.
“Tại buổi lễ này, Bộ NN&PTNT vinh danh 51 hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu biểu đại diện cho các lĩnh vực sản xuất của ngành và các vùng miền trong cả nước; 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến về máy móc, công cụ sản xuất, đã, đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, thay sức lao động thủ công, đem lại hiệu quả kinh tế cao do Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố lựa chọn, đề nghị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. “Đây mới chỉ là một số ít đại diện cho các HTX, tổ hợp tác, nông dân tiêu biểu trong cả nước. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục lựa chọn và tổ chức tôn vinh các nông dân tiêu biểu, các HTX, tổ hợp tác và cả khối doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn”.
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

12/01/2025 | 15:51

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo” đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng giá trị cao và bền vững.

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

11/01/2025 | 10:21

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng để nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo nông thôn của địa phương này ngày một đổi thay tích cực.

Tin tài trợ