Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tôn vinh làng nghề bánh tráng hơn 200 năm tuổi xứ Tây Đô

Kinhtedothi - Trải qua hơn 200 năm với sự tiếp nối làm nghề và giữ nghề của nhiều thế hệ, nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), vừa chính thức được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

UBND phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết: Trên địa bàn hiện có 58 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài ra, nơi đây còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với nhiều du khách, nhất là những du khách thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa của vùng đất Tây Đô.

Được hình thành và phát triền hơn 2 thế kỷ, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40 km là địa điểm tham quan khá thú vị với các du khách khi đặt chân đến vùng đất Tây Đô. 

Những thế hệ nối nhau giữ gìn nghề truyền thống

Có tuổi nghề hơn 30 năm, bà Hà Thị Sáu (68 tuổi, ngụ P. Thuận Hưng, Q. Thốt Nốt, TP. Cần Thơ) cho biết, hiện cơ sở của bà có 6 nhân công làm nghề, mỗi ngày sản xuất khoảng 7.000 chiếc bánh tráng.

"Nghề làm bánh tráng rất cực nhưng cũng vui, bởi ngày nào cũng có thu nhập đều đều. Tới dịp Tết lại càng bận rộn, nhộn nhịp và thu nhập cao hơn nên mọi người ai cũng phấn khởi với công việc.", bà Hà Thị Sáu nói.

Theo bà Sáu, tất cả bánh ở làng nghề được tạo ra từ nguyên liệu chính là gạo. Để cho ra đời những chiếc bánh tráng ngon, người dân nơi đây cẩn thận chọn loại nguyên liệu. Gạo làm bánh sẽ được ngâm rồi đem đi xay thành bột, lọt bỏ phầm nước chua đi rồi pha bột theo đúng tỉ lệ, thêm 1 chút muối để vị bánh được đậm đà hơn.

Nghề bánh tráng Thuận Hưng chính thức là di sản văn hóa phi vật thể. Video: Hồng Thắm

Sau khi trang bánh để vỉ thì người thợ làm bánh sẽ canh năng để phơi bánh, bánh được đem ra phơi ngay khi nắng vừa lên. Bánh được gỡ ra khỏi vỉ và sắp thành từng phần ngay ngắn và xếp thành từng phần bánh từ 10 đến 50 hay 100 cái tuỳ theo yêu cầu và loại bánh.

Bà Hà Thị Sáu đã có 30 năm gắn bó với nghề. Với bà Sáu, nghề làm bánh tráng không đơn thuần mang lại thu nhập chính cho gia đình, mà còn là giữ gìn nghề truyền thống từ những người bà, người mẹ để lại. Ảnh Hồng Thắm

Chị Phạm Bích Tuyền (34 tuổi), con gái bà Hà Thị Sáu, cũng đã nhiều năm theo nghề mẹ. Theo chị Bích Tuyền, giai đoạn phơi bánh phải phụ thuộc vào thời tiết, bánh được mang đi phơi khi bánh mới ra lò, bánh còn ướt. Lúc phơi phải canh cho vừa nắng, gắt quá cũng không được vì bánh sẽ dễ bị nổ. Cực nhất lúc trời mưa, nếu không mang vào kịp bánh trôi thành nước là coi như bỏ.

Bánh tráng Thuận Hưng cũng có nhiều loại khách nhau: Bánh mặn, bánh ngọt, bánh tráng dừa. Tại cơ sở bánh của bà Sáu, hiện bánh ngọt có giá 30.000 đồng/chục; bánh dừa 35.000 đồng/chục; bánh đặc biệt 55.000 đồng/chục.

Phơi bánh, gỡ bánh cũng không phải chuyện dễ, người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc để có chiếc bánh còn nguyên vẹn, không cong vênh. Nếu nắng đẹp thì chỉ phơi khoảng 30 phút là bánh đã khô, nếu phơi quá khô thì bánh bị bể. 

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hiện tại, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng phát triển khá tốt, nhiều bà con đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng bánh tráng làm ra nhiều. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã sử dụng máy tráng bánh thay gì tráng thủ công như trước đây.

Điển hình như cơ sở của bà Hà Thị Sáu, bà đã đầu tư 2 máy tráng bánh từ năm 2020. Việc sử dụng máy tráng được khách hàng rất ưu chuộng vì bánh được tráng bằng máy có độ dày vừa phải, bóng và bánh tròn đều rất đẹp.

Bàn tay khéo léo của những người thợ. Ảnh Duy Tân

“Ngày xưa, chúng tôi tráng bánh bằng tay nên chậm, bánh ra ít. Bây giờ, ngoài tráng tay ra thì chúng tôi đã có thêm lò tráng bánh bằng máy, năng suất tăng gấp 3 - 4 lần", bà Sáu chia sẻ.

 Những năm qua, TP. Cần Thơ và quận Thốt Nốt đã có nhiều giải pháp hỗ trợ bà con địa phương duy trì sản xuất cũng như bảo tồn làng nghề.. Ảnh Duy Tân

Nhờ vào sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, tới nay làng nghề đã được lan truyền rộng rãi và có nguồn tiêu thụ lớn đến từ nhiều vùng. Không chỉ phát triển về kinh tế mà làng nghề bánh tráng Thuận Hưng còn trở thành điểm du lịch ấn tượng với du khách từ khắp mọi nơi.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định về việc đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ