Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

TP Hồ Chí Minh: 12 góc phố được nghệ thuật hóa thông điệp bảo vệ loài Tê giác

Kinhtedothi - Từ ngày 9 đến 15/1/2017, 12 bức tường tại phường Nguyễn Thái Bình (Quận I) sẽ được “biến hóa” thành các bức tranh graffiti sống động mang thông điệp bảo vệ loài tê giác.

Đây là hoạt động chính trong “Tuần lễ Nghệ thuật Tê giác” do Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển CHANGE phối hợp với UBND phường Nguyễn Thái Bình tổ chức, với kỳ vọng sẽ thu hút 10.000 lượt người xem và tham gia các hoạt động tương tác tại TP Hồ Chí Minh.
“Tuần lễ Nghệ thuật Tê giác” là một hoạt động nổi bật trong khuôn khổ chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác”, nơi người tham dự có thể tham quan và trải nghiệm. Tuần lễ là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật đường phố và các hoạt động tương tác nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng xã hội, các lãnh đạo địa phương và đặc biệt là giới trẻ về việc nghừng tiêu thụ sừng tê giác và cam kết bảo vệ loài động vật này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
 

Xuyên suốt tuần lễ, người tham dự sẽ được chứng kiến quá trình 12 bức tường hẻm dần được “thay áo” thành 12 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, thể hiện các góc nhìn khác nhau về loài tê giác đặt trong bối cảnh thành thị. Ngoài ra, 10 nghệ sĩ graffiti gạo cội gồm: Trang Suby, Florian Nguyen, Danny Dao…sẽ mang đến cho người xem những tiết mục vẽ trình diễn cá nhân và vẽ đồng diễn ấn tượng.

Hoạt động tương tác của tuần lễ sẽ diễn ra từ ngày 12/1/2017. Người xem có cơ hội tự tay hoàn tất tác phẩm thông qua việc in dấu tay lên sừng tê như một lời cam kết bảo vệ động vật hoang dã này. Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến một hoạt động trải nghiệm thú vị mang tên “Ai lấy cắp sừng tê”. Người chơi sẽ hóa thân thành thám tử, lần theo manh mối ẩn giấu trong 12 bức tranh tường để điều tra ra “thủ phạm” đã lấy cắp chiếc sừng tê giác.

Sau khi tuần lễ kết thúc, 12 tác phẩm graffiti vẫn sẽ được giữ nguyên ở các con hẻm với kỳ vọng sẽ trở thành một “góc tê giác” độc đáo, thu hút khách tham quan đến TP Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ trong 40 năm qua, số lượng tê giác trên thế giới đã giảm tới 95%, chỉ còn 25.000 cá thể tê giác trong tự nhiên. Nam Phi là quốc gia sở hữu tới hơn 70% quần thể tê giác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ riêng trong năm 2014, có tới 1.215 cá thể tê giác bị giết hại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại các quốc gia châu Á (tăng gần 100 lần so với năm 2007). Nạn thảm sát tê giác tại Nam Phi không có chiều hướng suy giảm, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn, cứ mỗi ngày Nam Phi lại mất đi hơn 3 cá thể tê giác.

Cá thể tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết để lấy sừng năm 2010. Các chuyên gia bảo tồn trên thế giới cảnh báo rằng các loài tê giác trên thế giới sẽ có thể bị tuyệt chủng trong 6 năm tới nếu nạn thảm sát tê giác không được ngăn chặn kịp thời. Vì vậy, việc buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác phi pháp tại Việt Nam cần phải chấm dứt nhằm góp phần bảo vệ các loài tê giác và cải thiện hình ảnh của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh tê giác, nhiều loài hoang dã khác cũng đang bên bờ tuyệt chủng. Trong thập kỷ qua, 1 triệu con tê tê đã bị giết hại, tức 100.000 con bị giết mỗi năm. Còn loài voi to lớn của châu Phi, mỗi năm cũng mất đi tới 33.000 con. Hiện nay, Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác đang là những thị trường tiêu thụ lớn nhất những loài động vật này.

Trong năm 2016, cộng đồng quốc tế đã có nhiều động thái thể hiện quyết tâm xóa bỏ nạn săn bắn trái phép động vật hoang dã như: “Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã bỏ phiếu đi đến quyết định đưa tất cả 8 loài tê tê, loài động vật có vảy bị săn bắn trái phép nhiều nhất trên thế giới, vào danh mục I”.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ