TP Hồ Chí Minh công bố kế hoạch tuyển sinh trẻ mầm non, lớp 1
Kinhtedothi - Theo kế hoạch của UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành, công tác tuyển sinh bậc học mầm non và lớp 1 đầu cấp năm học 2022 - 2023 dự kiến bắt đầu từ 1/7/2022.
Theo đó, đối với cấp học mầm non, TP Hồ Chí Minh huy động 100% trẻ trong độ tuổi đang cư trú trên địa bàn vào trường mầm non, đồng thời có kế hoạch đảm bảo chỗ học cho trẻ dưới 5 tuổi, tăng dần tỉ lệ huy động trẻ ở tuổi nhà trẻ đến trường.
Cụ thể, với bậc mầm non, công tác tuyển sinh dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7 (lập đầy đủ danh sách trẻ) và công bố kết quả đồng loạt vào ngày 20/7. Đảm bảo việc thực hiện bộ hồ sơ nhập học và phiếu khảo sát đầu vào cho trẻ. Căn cứ nhu cầu của cha mẹ học sinh và điều kiện của đơn vị, các cơ sở giáo dục mầm non có thể cho trẻ làm quen với trường lớp trong thời gian nghỉ hè.
Còn với bậc tiểu học, không nhận học sinh học sớm tuổi. Không nhận học sinh trái tuyến ngoài địa bàn nếu chưa nhận đủ số lượng học sinh đúng tuyến theo chỉ tiêu phân bổ của UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện. Trường hợp nhận học sinh trái tuyến ngoài địa bàn do Ban Chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức và các quận, huyện xét duyệt. Công tác tuyển sinh dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7 và được công bố kết quả đồng loạt ngày 1/8/2022.
Đối với tuyển sinh lớp 1, huy động 100% trẻ 6 tuổi đang cư trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được vào học lớp 1 theo tuyến do Ban chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức và 21 quận, huyện quy định.
UBND TP Hồ Chí Minh lưu ý không được nhận trẻ sớm tuổi, không nhận trẻ trái tuyến ngoài địa bàn nếu chưa nhận đủ số lượng học sinh đúng tuyến. Trường hợp nhận học sinh trái tuyến phải do Ban chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức và 21 quận, huyện xét duyệt.
TP Hồ Chí Minh sẽ đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện sĩ số lớp theo Điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/lớp.
Với lớp 1 tăng cường ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Trung), tổ chức cho học sinh lớp 1 theo chương trình phổ thông 2018 và lộ trình riêng của TP. Hàng năm, Hội đồng tuyển sinh sẽ xem xét, đưa ra khỏi loại hình này các học sinh không theo kịp chương trình và tổ chức khảo sát tuyển bổ sung nhưng không được vượt quá sĩ số quy định.
Với lớp 1 chương trình dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thí nghiệm theo quy định cho học sinh.
Sĩ số không quá 35 em/lớp. Tổ chức dạy học chương trình tiếng Anh tích hợp theo chương trình giáo dục 2018 và lộ trình riêng của TP.
Ngoài ra, đối với khối lớp 6, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu thực hiện xét tuyển ở các trường THCS; riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa kết hợp xét tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực. Ngày kiểm tra dự kiến là ngày 25/6/2022.
Bên cạnh đó, Quyết định về kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2022 - 2023 của UBND TP Hồ Chí Minh nêu rõ: Đảm bảo 100% học sinh lớp 1, 2, 3 và khuyến khích học sinh lớp 6, 7, 10 được học 2 buổi/ngày để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đồng thời xây dựng kế hoạch những năm tiếp theo cho các lớp còn lại cũng được học 2 buổi/ngày.
Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; khuyến khích học sinh thi tuyển vào lớp 10 chọn nguyện vọng phù hợp với khả năng của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi khi nộp hồ sơ nhập học, 100% đơn vị xây dựng phương án tuyển sinh trực tuyến. Nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.
Bộ GD&ĐT thông tin về tình hình du học sinh Việt tại Ukraine
Kinhtedothi - Theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) thì Việt Nam hiện có 12 du học sinh theo học tại Ukraine. Đến thời điểm hiện tại, các em đều được an toàn.
TP Hồ Chí Minh bỏ yêu cầu "giấy xác nhận âm tính với học sinh F1"
Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cho phép học sinh là F1 được đến trường học trực tiếp nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.