TP Hồ Chí Minh: GRDP năm 2022 tăng trưởng 9,03%
Kinhtedothi - Mặc dù vậy, công tác phối hợp giữa các ngành còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến một số mặt chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Thu ngân sách trên 457.500 tỷ đồng
Ngày 20/12, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các sở, ngành và 22 quận, huyện và TP Thủ Đức dự hội nghị.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn TP ước tăng 9,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,36%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 6-6,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 30,6% so với năm 2021, trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%, ngành lưu trú và ăn uống tăng 128%, dịch vụ lữ hành tăng 195,2%…
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 1,0%); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,95)
Về du lịch, năm 2022 ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ năm 2021 (do năm 2021 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19) và tăng 33,33% so với kế hoạch. Khách quốc tế đến TP ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021. Khách du lịch nội địa ước đạt 25 triệu lượt, tăng 167,4% so với cùng kỳ năm 2021, cả 2 lượng khách đều đạt 100% kế hoạch.
Trong năm 2022, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 348,9 triệu lượt, tăng 116,5% so với năm 2021 và đạt 86,8% so với kế hoạch (kế hoạch 402 triệu lượt). Vận tải hành khách bằng đường thủy ước đạt 30 triệu lượt, tăng 57,31% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 19,07 triệu lượt). Hành khách đi và đến TP bằng đường sắt ước đạt 1.097.514 lượt (tăng 203% so với cùng kỳ). Hành khách đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt hợn 33,6 triệu lượt (tăng 315% so với cùng kỳ).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 14,2% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 58,3%; công nghiệp chế biến chế tạo giảm 13,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,2%…
Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, trong năm 2022, TP đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách Trung ương 2.479,640 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 34.984,033 tỷ đồng). Đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 (ngày 31/1/2023), dự kiến giải ngân vốn 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước đạt 457.500 tỷ đồng, đạt 118,35% dự toán và tăng 17,05% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 91.291 tỷ đồng, đạt 91,59% dự toán giao đầu năm và giảm 5,65% so với cùng kỳ.
Tổ chức thành công nhiều diễn đàn kinh tế
Năm 2022, TP tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp tục chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của TP. Các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của DN. TP cũng đã tổ chức thành công diễn đàn kinh tế năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai”. Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thành công diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong tình hình mới”.
Đối với công tác quy hoạch và quản lý đô thị, UBND TP đã ban hành quyết định 2016/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 về phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Rà soát thẩm định điều chỉnh 26 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 với tổng diện tích hơn 154ha, rà soát thẩm định điều chỉnh 5 đồ án, 3 nhiệm vụ, 4 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích hơn 180ha...
Bên cạnh kinh tế phục hồi mạnh sau dịch Covid-19, lĩnh vực y tế, giáo dục… cũng được củng cố và phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế TP đồng bộ với dữ liệu lớn của TP. Đến nay đã có 53/55 bệnh viện công lập (trừ Bệnh viện Nhân Ái và Khu điều trị phong), 16/65 bệnh viện ngoài công lập triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong năm 2022 dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, Thành ủy TP, sự giám sát của HĐND TP, sự chỉ đạo quyết liệt, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả của UBND TP, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được Nhân dân và cộng đồng DN ủng hộ; bạn bè quốc tế giúp đỡ, hỗ trợ…, nên chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội TP tiếp tục phát huy tác dụng. Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các dự án, công trình trọng điểm được triển khai theo đúng kế hoạch.
Tình hình dịch bệnh được tiếp tục kiểm soát tốt, đồng thời từng bước kiểm soát hoạt động y tế cơ sở. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và giải quyết việc, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 theo nghị quyết 117/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND TP về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 3/19 chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.
Bên cạnh những mặt được, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết vẫn còn nhiều hạn chế, như: Khả năng dự báo, phân tích, đánh giá, nhận định và đề xuất của các đơn vị còn hạn chế, chậm và chưa sát thực tiễn. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp. Công tác phối hợp, đôn đốc giữa các chủ đầu tư với UBND các quận, huyện trong thực hiện công tác bồi thường tái định cư còn chưa chủ động, thiếu kịp thời và chưa phù hợp với điều kiện để triển khai thực hiện các dự án.
Chủ đề và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2023
TP Hồ Chí Minh xác định chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.
Có 17 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế và được chia thành 5 nhóm, gồm: 7 chỉ tiêu về kinh tế; 3 chỉ tiêu về xã hội; 2 chỉ tiêu về đô thị; 1 chỉ tiêu về cải cách hành chính; 4 chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.
Cử tri kiến nghị gì với đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh?
Kinhtedothi - Sáng 8/12, tại kỳ họp thứ tám, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X (nhiệm kỳ 2022 - 2026), các đại biểu nghe báo cáo thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường về ý kiến của cử tri với hàng loạt vấn đề.
TP Hồ Chí Minh: Các tuyến đường ngập tràn không khí Giáng sinh
Kinhtedothi - Còn hơn 2 tuần nữa mới đến Giáng sinh, song không khí lễ hội đã tràn ngập trên nhiều cung đường, tuyến phố, len lỏi khắp các nhà thờ, xóm đạo ở TP Hồ Chí Minh.
Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh trao học bổng cho công đoàn viên
Kinhtedothi - Việc trao học bổng cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) nhằm đẩy mạnh phong trào học tập và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong đội ngũ ĐVCĐ, công nhân viên chức, lao động.