Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

TP Hồ Chí Minh: thêm một dòng kênh trở lại màu xanh

Kinhtedothi – Hàng Bàng là một trong những con kênh thoát nước tại TP Hồ Chí Minh bị ô nhiễm trầm trọng, với hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh từ hàng chục năm qua, con kênh bị lấp hẳn. Việc khôi phục lại dòng kênh góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Dự án nhiều nghìn tỷ đồng

Ngày 17/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TP Hồ Chí Minh cùng UBND quận 5 và các sở, đơn vị liên quan tổ chức lễ khánh thành công trình xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng (đoạn qua quận 5) và phát động trồng cây, bảo vệ môi trường. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, từ nhiều năm qua, TP xác định Hàng Bàng là một trong những tuyến kênh cần tập trung cải tạo, di dời, tái định cư cho các hộ dân sống trên kênh, khôi phục lại màu xanh của dòng kênh, tăng cường mảng xanh, góp phần cải thiện cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đại biểu cắt băng khánh thành.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, kênh Hàng Bàng có chiều dài 1,7km, đi qua quận 5 và quận 6; điểm đầu giao với kênh Tân Hóa – Lò Gốm (quận 6); điểm cuối giao với kênh Tàu Hũ (quận 5), là một trong những tuyến kênh thoát nước có hàng trăm hộ dân sinh sống trên kênh, nhiều đoạn kênh bị lấp hẳn, gây ô nhiễm trầm trọng.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh trả lời báo chí.

Năm 2019, một đoạn 220m trên tuyến kênh được cải tạo đưa vào phục vụ người dân thông qua dự án “Cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2”, sử dụng nguồn vốn vay ODA JICA Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP.

Từ năm 2019 đến nay, 750m kênh tiếp theo từ đường Mai Xuân Thưởng (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) đang được nâng cấp, cải tạo.

Tại quận 6, đoạn kênh dài 500m từ đường Mai Xuân Thưởng đến Ngô Nhân Tịnh có chi phí xây lắp khoảng 67 tỷ đồng, bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) khoảng 1.182 tỷ đồng.

Tại quận 5, đoạn từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng, chiều dài 250m với chi phí xây lắp khoảng 33 tỷ đồng, BTGPMB khoảng 600 tỷ đồng.

Năm 2028 toàn bộ dòng kênh trở lại màu xanh

Trao đổi với phóng viên, ông Lương Minh Phúc cho biết, công trình qua 2 quận được xây dựng theo thiết kế kênh hở hình thang, bề rộng mặt kênh 12m, bề rộng đáy kênh 4m, sâu khoảng 4,5m; xây dựng mảng xanh dọc hai bên bờ kênh, cải tạo đường Phan Văn Khỏe và đường Bãi Sậy.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cùng đại biểu trồng cây ven kênh Hàng Bàng.

Việc khánh thành công trình đoạn kênh Hàng Bàng (quận 5), là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời từ UBND TP. Đặc biệt là đoàn giám sát của HĐND TP do đồng chí Nguyễn Thị Lệ - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP làm Trưởng đoàn đã có rất nhiều cuộc họp, làm việc với quận 5 để hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong công tác BTGPMB.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường trồng cây trên bờ kênh Hàng Bàng.

Bên cạnh đó là sự quyết tâm của Ban Giao thông, tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công đã vượt qua những khó khăn, hoàn thành công trình sau 6 tháng thi công (từ ngày 17/7/2024 đến 17/1/2025), sớm hơn 3 tháng so với tiến độ đề ra.

Đoạn kênh Hàng Bàng đi qua quận 5, phải thu hồi 5.196,2 m2 với kinh phí bồi thường khoảng 600 tỷ đồng, có 127 hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất.

Ban Giao thông rất mong UBND và người dân quận 6 tiếp tục hỗ trợ bàn giao 100% mặt bằng còn lại để có thể hoàn thành toàn bộ công trình tại quận 6 trong năm 2025, vì hiện nay đã xong 70% khối lượng. Ban Giao thông sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phê duyệt dự án giai đoạn 3 (đoạn từ đường Bình Tiên đến Mai Xuân Thưởng, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, có 391 trường hợp giải toả toàn phần), thi công và khôi phục toàn bộ dòng kênh Hàng Bàng dài 1,7km, trở thành “trái tim xanh” của quận 5 và 6 vào năm 2028.

Trích dẫn
Kênh Hàng Bàng có từ thời Pháp

Kênh Hàng Bàng do chính quyền thực dân Pháp cho đào trong 4 năm 1889–1893, trên tuyến kênh có xây một ụ sửa ghe. Đến thập niên 1920, ụ sửa ghe bị san lấp để xây dựng Chợ Lớn mới (chợ Bình Tây ngày nay).

Sau đó, người Pháp xây nhiều cầu bắc qua kênh, gồm: cầu Bình Tiên, Phạm Đình Hổ, Palikao, Gò Công và cầu Ba Cẳng (nằm sau chợ Kim Biên). Cầu Ba Cẳng nằm tại ngã ba kênh Hàng Bàng - Quới Đước, là cầu bộ hành đầu tiên tại Sài Gòn, thiết kế kiểu kiềng 3 chân là 3 cầu thang đi bộ lên.

Những năm 1960, do chiến tranh cộng với chính quyền Việt Nam Cộng hòa không quản lý chặt nên người dân tứ xứ đổ về dựng nhà lấn chiếm khiến cho lòng kênh bị thu hẹp dần. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân khắp nơi lại đổ về dựng nhà lấn chiếm 2 bên bờ kênh rồi lấp dần khiến con kênh trở thành mương thoát nước thải của dân cư hai bên kênh. Năm 2000, do kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng nên TP cho lắp đặt cống hộp đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Phạm Đình Hổ.

Tân Tiến

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

17/01/2025 | 21:58

Kinhtedothi- Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè trên địa bàn TP từ ngày 22/1 - 12/2/2025.

Tin tài trợ