Wednesday, 12:55 19/10/2016
Tráng Việt hướng tới thương hiệu rau an toàn
Kinhtedothi - Là một trong những vùng có diện tích sản xuất rau an toàn (RAT) tập trung lớn của TP, nhưng đến nay, vùng rau xã Tráng Việt, huyện Mê Linh vẫn chưa có thương hiệu để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Giàu lên nhờ cây rau
Đến vùng bãi ven sông Hồng thuộc địa phận thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn một màu xanh trù phú của những ruộng rau, chủ yếu là cải củ và một số loại rau ăn lá. Ông Lương Văn Tiến, xóm 3, thôn Đông Cao thể hiện rõ niềm phấn khởi khi nói về nghề trồng rau ở đây đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Nhà ông Tiến có 1 mẫu rau, phần lớn trồng cải củ, thời gian trồng chỉ khoảng 2 tháng là cho thu hoạch. Với giá rau bình quân 5.000 - 6.000 đồng/kg, mỗi năm, ông Tiến thu được 300 - 400 triệu đồng từ trồng rau.
Cách đó không xa, khu ruộng rau gần 1 mẫu của gia đình anh Nguyễn Văn Toan, xóm 4, thôn Đông Cao với những ống dẫn nước được dựng ngay trên luống đang phun những tia nước trắng xóa xuống các luống rau non mới trồng. Anh Toan cho biết, chi phí đầu tư hệ thống dẫn nước khoảng 1,5 triệu đồng/sào, tiết kiệm rất nhiều công tưới, lại đảm bảo độ ẩm đều trên ruộng. Do chuyên canh cây rau, mỗi năm, anh Toan trồng 4 vụ cải củ, thu nhập đạt 20 – 30 triệu đồng/sào. “Trồng rau cho hiệu quả cao gấp hàng chục lần so với cấy lúa” – anh chia sẻ.
Khu bãi của thôn Đông Cao có tổng diện tích khoảng 200ha, trong đó có 118,5ha được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao cho biết, là vùng đất bãi bồi nên hàng năm, người dân canh tác từ 6 - 8 vụ. Trong đó, chủ lực là cây rau cải củ trồng 2 - 3 lứa/năm, cải ăn lá các loại 4 - 6 lứa/năm. Sản lượng rau của HTX khoảng 27.000 tấn/năm. Bình quân thu nhập đạt từ 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm, cá biệt một số hộ thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.
Trăn trở tìm chỗ đứng
Thời điểm trước năm 2010, người trồng rau Tráng Việt còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có quy trình kỹ thuật nhất định nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm không ổn định. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội về tập huấn kỹ thuật và UBND huyện Mê Linh cũng dành nguồn kinh phí gần 3 tỷ đồng để thí điểm mô hình sản xuất RAT, đến nay, quy trình canh tác của người dân đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Phần lớn các hộ trồng rau đã áp dụng quy trình sản xuất RAT và gần đây, nhiều hộ chuyển sang sản xuất rau hữu cơ. Ngoài ra, xã còn tổ chức mô hình các tổ, nhóm hộ cùng giúp đỡ và giám sát lẫn nhau trong quá trình sản xuất.
Chất lượng rau từng bước được nâng cao, song nhiều hộ nông dân ở Đông Cao không khỏi băn khoăn vì sản xuất vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi. Đó là hạ tầng thiếu thốn từ hệ thống điện, đường giao thông nội đồng tới cơ sở sơ chế rau. Nhiều hộ dân muốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng để sản xuất rau theo hướng công nghệ cao, giảm bớt rủi ro do thời tiết, song hệ thống điện không đảm bảo và nguồn vốn hạn chế. Đặc biệt, do chưa xây dựng được thương hiệu nên RAT Đông Cao vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường, giá bán không ổn định. “Nhiều người thấy củ cải ở Đông Cao to lại tưởng nhầm là củ cải Trung Quốc, khiến cho tiêu thụ gặp nhiều khó khăn” – một lãnh đạo huyện Mê Linh thành thật chia sẻ.
Rõ ràng, tiềm năng và thế mạnh sản xuất RAT của xã Tráng Việt là rất lớn, song nếu không giải quyết được những tồn tại trên, cây rau của địa phương này khó lòng đứng vững trên thị trường. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đàm Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt chia sẻ, xã đang chỉ đạo tập trung xây dựng thương hiệu, tem nhãn nhận diện cho cây rau vùng bãi. Đồng thời, thực hiện Nhà nước và Nhân dân cùng làm để hoàn thiện hệ thống giao thông nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất ổn định. Địa phương kiến nghị các cấp chính quyền TP hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 trạm biến áp, mỗi trạm công suất 400kVA để phục vụ tốt hơn cho sản xuất.
Tags