Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Tranh hổ chào đón Tết Nhâm Dần

Kinhtedothi – Chào đón năm mới 2022, tại Hà Nội diễn ra nhiều triển lãm tranh với chủ đề về hổ, con giáp của năm Nhâm Dần. Các tác phẩm này được hoạ sĩ vẽ trên nhiều chất liệu, phong cách khác nhau, mang đậm nét văn hoá truyền thống.

Tranh hổ trên lịch, bao lì xì

Nhịp Tết, nhịp Xuân mới đã ngấp nghé ngoài cửa, nhân dịp Tết đã đến gần, hoạ sĩ Lê Thiết Cương & 39 Concept dã giới thiệu tới công chúng những bức tranh hổ mới nhất được in trên bao lì xì may mắn để tiễn năm Sửu đón năm Nhâm Dần. Đến phòng tranh của hoạ sĩ Lê Thiết Cương (39A Lý Quốc Sư, Hà Nội) vào những ngày này, du khách có thể thấy hình ảnh những chú hổ với nhiều hình tượng, màu sắc khác nhau được ứng dụng trên những bao lì xỉ xinh xắn. 8 mẫu lì xì trong bộ là 8 mẫu tranh khác nhau, sản phẩm kích thước 85 x 170mm, nắp gập ngang. Ngoài mẫu tranh hổ vẽ trên bao lì xì, năm nay, 39 Concept cũng mang đến công chúng bộ lịch gồm 24 bức tranh, trong đó có nhiều tác phẩm về hổ.

Bao lì xì có hình hổ. Ảnh: 39 Concept.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, hoạ sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Mặc dù năm nay đang có dịch Covid-19 nhưng nhóm hoạ sĩ G39 (gồm 18 hoạ sĩ) vẫn mở triển lãm online về hổ có chủ đề là “Đón Dần”. Triển lãm trưng bày online hơn 80 bức tranh mừng năm mới Nhâm Dần trên các chất liệu đa dạng như sơn dầu, giấy dó, bột mầu trên vải màn bồi giấy dó, xé giấy. Mỗi hoạ sĩ tham gia sẽ đưa ra một tranh hổ mới nhất và chưa bày ở đâu. Đến nay, các hoạ sĩ như anh Hoàng Phượng Vĩ, Đỗ Dũng, Bình Nhi, Hoàng Phương Liên, Phạm Trần Quân… đều đã nộp”.

Tác phẩm tranh hổ trong triển lãm ''Đón Dần''.

Triển lãm sẽ lần lượt giới thiệu trên trang fanpage Gallery39a Lý Quốc Sư và 39Concept từ ngày 6/1/2022.

Một phòng tranh về hổ

Khai mạc vào ngày đầu tiên của năm mới 2022, đạo diễn, NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan đã mang tới đầy ắp các bức tranh hổ, con giáp của năm Nhâm Dần tại Nhà triển lãm mỹ thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội). Tham quan phòng tranh, người xem có thể thấy được căn phòng đầy ắp những bức hoạ về hổ. Hổ do Nguyễn Nghiêm Nhan vẽ có nhiều trạng thái, cung bậc. Đó là những câu chuyện về hổ, gia đình hổ, hổ suy tư, hổ lãng mạn, hổ bay bổng, hổ nhảy múa. Hổ đi từ truyền thống đến hiện đại. Hổ được vẽ với bảng màu nguyên, “dã thú”- theo như cách gọi của trường phái mỹ thuật hiện đại châu Âu đầu thế kỷ XX.

Tác phẩm tranh hổ trong triển lãm ''Nhâm Dần''.

Điều thú vị ở những bức tranh hổ này chính là sự phóng túng về màu sắc và đường nét. Có người bạn họa sỹ khi xem tranh ông đã thốt lên rằng: Tranh của Nghiêm Nhan không thể vẽ lại hay chép lại được bởi lối vẽ một hơi, cảm xúc, lối đi nét “ nhất khí quán hạ”. Mặc dù vẽ bằng chất liệu acrylic (sơn nước) trên toan hay trên bìa giấy thì nhiều lúc ông đã dụng bút như lối vẽ dứt khoát quyết đoán của kỹ thuật vẽ thủy mặc Phương Đông. Bút và bàn tay, cùng cảm xúc đã cho ra những nét vẽ không lặp lại, không đồ lại được ở độ liền hơi, độ nhấn nhá rung nét đậm nhạt ở nét hất , nét xổ như lối viết thư pháp.

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Nghiêm Nhan chia sẻ: “Càng vẽ tôi càng khám phá ra cái hay về tạo hình và màu sắc của hổ. Tất cả những gì hiểu biết về cá tính Nhâm Dần, tôi đã đưa vào tranh. Hổ trong tranh tôi như con người với đầy đủ cung bậc cảm xúc, yêu đương mãnh liệt, nồng nàn, lãng mạn, bay bổng, ưa hoạt động, thích cái đẹp và luôn tưởng tượng những gì độc đáo, phi thường”.

Tranh của Nguyễn Nghiêm Nhan thiên hướng hiện đại, giàu ngôn ngữ siêu thực và trừu tượng. Ông thích vẽ hổ bay bằng thế giới tưởng tượng của mình. Để kịp triển lãm 60 bức tranh hổ, ông còn mang cả toan khổ lớn đi Tây Nguyên trong một tháng để ngày đi làm phim, tối về tranh thủ vẽ.

60 bức tranh hổ không lặp lại quả là một thử thách không hề nhỏ đối với người nghệ sĩ này. Nhưng bù lại, càng tìm hiểu cá tính Nhâm Dần càng cho ông nhiều ý tưởng tranh và phần còn lại là hiện thực hóa ý tưởng đó bằng ngôn ngữ hội họa. “Khi cầm cọ vẽ, tôi thêm nhiều lần phát hiện ra mình. Đấy cũng chính là sự khám phá bản thân. Tôi đã tìm ra mình ở góc hội họa. Điều mà hơn 50 năm trước tôi đã từng mơ ước được vẽ thì giờ đây tôi đã thực hiện được ước mơ đó. 60 năm cuộc đời tôi mở triển lãm lần đầu tiên”.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ