Friday, 06:41 20/01/2017
Trên 90% doanh nghiệp thực hiện tốt “60 phút cho con” sao lại bỏ đi?
Kinhtedothi - Cuộc khảo sát của một Tổ chức Alive & Thrive Viennam năm 2015 cho thấy 93% DN thực hiện rất tốt quy định lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút mỗi ngày.
Tại buổi tọa đàm Một số nội dung điều chỉnh trong Dự thảo Luật sử đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Lao động, diễn ra chiều nay 19/1, nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ quan tâm đến việc Dự thảo Luật lao động sửa đổi đưa ra đề xuất bỏ "Điều 155 trong Bộ luật Lao động hiện hành quy định “Lao động nữ nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút”. Bởi đây là quy định rất tiến bộ, nhân văn cần được tiếp tục duy trì.
Đại diện đến từ Tổ chức Alive & Thrive Viennam cho biết: “Thực tế, chúng tôi thấy các DN sáng tạo trong việc tuân thủ thực hiện quy định 60 phút. Ví dụ, họ trao đổi với bộ phận nhân sự, bên sản xuất và người lao động (NLĐ) đang nuôi con dưới 12 tháng có thể đi làm muộn hơn, về sớm hơn. Phụ nữ đang nuôi con nhỏ có nhu cầu vắt sữa rất lớn, cũng là cách để duy trì nguồn sữa. Vì thế, tôi mong muốn quy định đang được thực hiện tốt, không nên bãi bỏ”.Nhiều DN trong ngành dệt may, da giày làm việc theo dây chuyền – nơi có rất đông NLĐ là nữ giới - phàn nàn rất khó để sắp xếp thời gian cho phụ nữ nuôi con dưới 1 tuổi nghỉ 1 tiếng. Về việc này, bà Lê Thị Việt Anh đến từ Trung tâm Phát triển và Hội nhập cũng như nhiều chuyên gia khác không đồng tình. Bộ luật Lao động đã quy định, các DN cứ thế mà làm theo. Nếu không thực hiện, họ sẽ mất công nhân và cả đơn hàng. Khi chúng ta hội nhập thì phải tuân thủ quy định nhãn hàng. Khi khách hàng thấy DN không tuân thủ và tôn trọng luật của quốc gia thì họ bỏ những đơn hàng đó. Hiện nay ở nhiều nước châu Âu cũng có chiến dịch bảo vệ NLĐ như giảm giờ làm cho phụ nữ nuôi con nhỏ để đẩm bảo quyền lợi của trẻ em.Bà Hải Yến – Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, về nguyên tắc chúng ta luôn bảo vệ đối tượng yếu thế. Trong mối quan hệ lao động, NLĐ luôn ở thế yếu so với chủ sử dụng lao động. Lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ còn ở vị thế yếu hơn. Chính vì thế, Bộ luật Lao động 2012 hiện hành đã có hẳn chương 10 quy định về lao động nữ với những quy định có lợi. Không những thế, trước đó từ năm 1994, quy định lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng cũng được nghỉ 60 phút trong mỗi ngày làm việc.“Không hiểu sao, ban soạn thảo lại bỏ quy định này trong bản dự thảo? Qua theo dõi của chúng tôi về sử dụng lao động nữ, có đến 90% các DN thực hiện rất tốt quy định 60 phút. Còn thực hiện quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút có một số khó khăn vì họ sản xuất theo dây chuyền. Hơn nữa, nhiều lao động nữ còn có tâm lý e ngại khômg báo với người quản lý nên không sắp xếp được thời gian cho họ nghỉ” – bà Hải Yến đặt câu hỏi và cho biết.Bà Hải Yến thông tin thêm, từ năm 2012 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phối hợp với một tổ chức thực hiện chương trình có những phòng vắt trữ sữa tại các DN, hiện tại con số lên tới gần 200. Chương trình này cộng với thực hiện 60 phút đảm bảo cho trẻ nhỏ phát triển một cách toàn diện, đảm bảo được bú mẹ trong vòng 24 tháng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vì sự phát triển lâu dài của bà mẹ và trẻ em, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh và bền vững thì phải đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất cho người dân và xã hội. Trong đó có chế độ về bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Chính vì thế chúng ta không thể đi chậm lại, thụt lùi với những quy định tiến bộ, đang làm rất tốt. Khi chúng ta đã làm tốt thì cần phải cố gắng hơn nữa. Đối với những DN sử dụng nhiều lao động nữ gặp khó khăn thực hiện 60 phút, các chuyên gia cho rằng, phụ nữ đã rất cố gắng làm việc ở công ty, ở nhà, chăm nuôi con. Bản thân họ không nhận được thu nhập cao khi DN hoạt động gặp khó khăn. Chính vì thế, các DN sử dụng lao động có gắng tạo điều kiện về thời gian để họ nuôi con để có sức khoẻ tốt. Có như vậy họ sẽ gắn bó lâu dài với DN và cống hiến nhiều hơn.
Thư kiến nghị không bãi bỏ quy định “1 tiếng cho con”Trong khuôn khổ buổi toạ đàm, nhóm khởi xướng chiến dịch “1 tiếng cho con” có thư kiến nghị Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động 2012 đề nghị giữ nguyên Khoản 5, Điều 155, Bộ luật Lao động 2012 về “Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.Nếu điều khoản này bị bãi bỏ, những người lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ thể chất và tình cảm, không bảo đảm an toàn lao động. Không những thế, nó đi ngược lại với tinh thần của Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Công ước về Quyền trẻ em...Chiến dịch “1 tiếng cho con” được khởi xướng bởi nhóm thanh niên quan tâm đến các vấn đề xã hội, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ, Trung tâm Phát triển và Hội nhập – đơn vị tổ chức toạ đàm và sự hỗ trợ của quỹ sáng kiến cộng đồng Sakédemy. |