Trọng tài liên tiếp mắc sai sót, V-League vẫn mòn mỏi chờ VAR
Kinhtedothi – V-League 2022 mới quay trở lại 2 vòng đấu nhưng câu chuyện muôn thuở về trọng tài tiếp tục nóng lên khi Đông Á Thanh Hoá gửi đơn kiến nghị chấn chỉnh công tác trọng tài… đã đến lúc V-League cần đến hệ thống công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng hình (VAR)?
Sai lầm và tranh cãi
Vòng 6 V-League 2022 với 14 bàn thắng (2,33 bàn/trận) nhưng có tới 14 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ. Điều này cho thấy V-League luôn là giải đấu khắc nghiệt khi các câu lạc bộ (CLB), cầu thủ luôn thi đấu máu lửa, đặc biệt sau thời gian dài phải tạm nghỉ để phục vụ các cấp đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, câu hỏi khiến người hâm mộ quan tâm vẫn từ các “ông vua áo đen".
Trận đấu giữa Sài Gòn FC và Topenland Bình Định, trọng tài chính Nguyễn Ngọc Châu và trợ lý đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi công nhận bàn thắng của Xuân Nam. Cho dù bàn thắng này được lập nên khi cầu thủ này dùng tay đưa bóng vào lưới. Quyết định của ông Châu đã làm ảnh hưởng lớn đến kết quả trận đấu và án phạt sẽ được đưa ra đối với tổ trọng tài điều khiển trận đấu.
“Đây là một tình huống xảy ra nhanh, trọng tài chính Nguyễn Ngọc Châu đã không theo kịp tình huống và công nhận bàn thắng là quyết định sai lầm. Đối với sai lầm của trọng tài chính Nguyễn Ngọc Châu, Ban Trọng tài chắc chắn sẽ có hình thức xử lý kỷ luật" - Trưởng Ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, những tranh cãi tiếp tục xảy ra ở trận đấu giữa Đông Á Thanh Hoá và Nam Định. Đỉnh điểm ở phút 47, Nguyễn Đình Sơn (Nam Định) bị Victor Kamhuka (Đông Á Thanh Hóa) phạm lỗi, trọng tài chính đã xác định điểm phạm lỗi ở ngoài vòng 16m50 nhưng khi tham khảo ý kiến của trọng tài biên đã thay đổi quyết định và được cho là “bẻ còi”, Nam Định được hưởng quả 11m. Phía Đông Á Thanh Hoá đã phản ứng gay gắt, thậm chí lực lượng chức năng phải vào cuộc trong và sau trận đấu để bảo vệ tổ trọng tài rời sân.
Ngày 11/7, Chủ tịch CLB Đông Á Thanh Hoá Cao Tiến Đoan đã có đơn kiến nghị chấn chỉnh công tác trọng tài sau vòng 6 V-League 2022. Cụ thể, "bầu" Đoan khẳng định những quyết định của trọng tài trong trận đấu gây bất lợi cho đội của ông, gây ức chế cho lãnh đạo đội bóng và hàng ngàn khán giả cũng như đánh mất công sức cống hiến của các cầu thủ.
“CLB đề nghị các đơn vị có thẩm quyền xem xét kỹ các tình huống đã xảy ra, chỉ ra hạn chế, thiếu sót, kịp thời có biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh lại công tác trọng tài, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng giải đấu. CLB cho rằng trọng tài đã cố ý thực hiện các tình huống nêu trên và VFF, VPF cần xử lý kịp thời để lấy lại niềm tin của người hâm mộ” – văn bản nêu rõ.
Bao giờ bóng đá Việt Nam có VAR?
Có lẽ đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất ở thời điểm này từ cầu thủ, người hâm mộ. Vì liên tiếp những sai lầm được xảy ra qua 2 vòng đấu. Những sai sót là điều khó tránh khỏi nhưng vấn đề đặt ra trong nhiều mùa giải vừa qua đó là chất lượng trọng tài. Từng chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Trưởng Ban trọng tài VFF Dương Văn Hiền cho biết, trong 1 trận đấu cả tổ trọng tài sẽ phải hỗ trợ nhau để đưa ra các tình huống chính xác nhất, có thể trọng tài chính không nhìn thấy tình huống phạm lỗi nhưng trợ lý thấy có thể hỗ trợ lại sao cho trận đấu tốt nhất.
“V-League chưa sử dụng VAR, nếu có hệ thống VAR sẽ thay đổi dễ dàng nhưng vì chưa có nên trợ lý sẽ hỗ trợ, miễn sao cho đúng không nên làm sai. Ngay tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 có những tài giỏi chuyên môn, cấp cao của FIFA, người ta vẫn có những sai sót ảnh hưởng đến kết quả” –Trưởng Ban trọng tài VFF cho biết.
Ở một giải đấu chuyên nghiệp nhưng những sai sót liên tiếp xảy ra từ "ông vua áo đen", Ban tổ chức cần xem xét lại chất lượng của trọng tài. Việc các giải hàng đầu thế giới sử dụng VAR không phải là ngẫu nhiên và được tiếp cận, sử dụng một cách nhanh chóng. Nhắc lại, ở mùa giải 2019, VPF và Ban tổ chức V-League đã đưa ra những kế hoạch chi tiết để áp dụng VAR nhưng đi từ kế hoạch đến thực hiện là một quá trình, trong đó có tài chính và nhân lực.
Để đầu tư, lắp đặt và vận hành VAR đòi hỏi số tiền rất lớn, đơn tại World Cup 2018, FIFA phải chi ra số tiền lên đến 700.000 USD/trận (khoảng hơn 16 tỉ đồng/trận). Nếu áp dụng VAR tại V-League 2022 với 26 vòng đấu, VPF có thể phải đầu tư kinh phí lên đến 442 tỉ đồng. Bên cạnh đó là con người, số lượng trọng tài và trợ lý trọng tài cấp FIFA của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, đơn cử như ông Ngô Duy Lân và Hoàng Ngọc Hà. Trong khi đó, tổ trọng tài điều khiển phòng VAR đòi hỏi số lượng rất lớn và có chuyên môn cao.
Rõ ràng, để có VAR hỗ trợ trọng tài ở V-League lúc này là ngoài tầm với của Ban tổ chức. Nhưng không vì thế để bao biện cho những sai lầm đáng trách của trọng tài, cần tìm ra giải pháp để hạn chế tối đa sai sót và điều này cần sự vào cuộc nghiêm túc từ VPF, Ban trọng tài VFF để nhìn nhận, đánh giá năng lực của mỗi trọng tài.
Tín hiệu vui cho các cầu thủ trẻ tại V-League
Kinhtedothi – Sau hiệu ứng từ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và VCK U23 châu Á 2022, nhiều câu lạc bộ (CLB) đã “bật đèn xanh” cho các cầu thủ trẻ ở V-League 2022.
Đoàn Văn Hậu trở lại thi đấu sau hơn 2 năm điều trị chấn thương
Kinhtedothi - Hậu vệ Đoàn Văn Hậu đã trở lại thi đấu trong màng tranh tài giữa Hà Nội FC và Hải Phòng tại vòng 6 V-League 2022 sau hơn 2 năm điều trị chấn thương.
Vòng 6 V-League 2022: HAGL đã biết thắng, Hà Nội FC đánh bại Hải Phòng
Kinhtedothi - Tại vòng 6 V-League 2022, HAGL đã có chiến thắng đầu tiên của mùa giải trước SHB Đà Nẵng trên sân nhà Pleiku.