Tự chủ đại học: Không chỉ là tự chủ về tài chính
Kinhtedothi - "Nhiều người hiểu về tự chủ ĐH “lệch” quá nhiều về tài chính mà ít chú ý đến vấn đề chuyên môn, học thuật; bộ máy tổ chức, nhân sự..."
Nhiều chỉ số giáo dục ĐH có vấn đề
Phó Thủ tướng nhận xét hiện nay có rất nhiều chỉ số cho thấy giáo dục ĐH của Việt Nam “có vấn đề”. Điển hình là số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, bên cạnh nguyên nhân về tình hình kinh tế xã hội, còn có nguyên nhân chất lượng đào tạo của giáo dục ĐH không đáp ứng được yêu cầu của DN.
Trong khi nếu Việt Nam có thật nhiều cử nhân ra cử nhân, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ thì đó là nguồn lực thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo |
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, Phó Thủ tướng nêu một ví dụ buồn là trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI; 20.000 tạp chí Scorpus thì không có một tạp chí nào thuộc một trường ĐH của Việt Nam. Cùng với đó mô hình sáng tạo quốc gia hiện nay khiến các trường ĐH đứng ngoài các chương trình nghiên cứu khoa học.
“Đây là hai trong nhiều chỉ số, hai trong nhiều góc nhìn cho thấy chúng ta cần đổi mới giáo dục ĐH toàn diện, mạnh mẽ bởi tiếp cận đầu ra của thị trường lao động thì ĐH gần hơn”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh nguyên tắc phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới
Không chỉ là tài chính
Theo Phó Thủ tướng, đổi mới giáo dục ĐH ở Việt Nam không thể copy kinh nghiệm của bên ngoài bởi phải tính đến đặc thù nhưng cũng không thể lấy đặc thù đấy để át đi, che đi xu thế tất yếu của thế giới, của thời đại. Giáo dục ĐH trên thế giới, ở những nước nền giáo dục tiên tiến, thì dễ thấy nhất là xu thế tự chủ.
Bởi môi trường ĐH đòi hỏi sự khai phóng, sáng tạo và những người tham gia quản trị ĐH là người có trình độ, có hiểu biết, mặt bằng hiểu biết tương đối cao và đồng nhất. Đặc biệt, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình xã hội.
Nhìn lại quá trình thực hiện tự chủ ĐH ở Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết quá trình này bắt đầu từ năm 1996 với một số quyền tự chủ được trao cho 2 ĐH quốc gia Hà Nội và TPHCM, tiếp đó là đề án thí điểm thực hiện tự chủ ĐH cách đây 10 năm. Tuy nhiên, khi triển khai cách hiểu về tự chủ ĐH “lệch” quá nhiều về tài chính mà ít chú ý đến vấn đề chuyên môn, học thuật; bộ máy tổ chức, nhân sự.
Về tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu khoa học, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc như đánh giá của Phó Thủ tướng “so với quyền của các ĐH quốc gia, ĐH vùng lúc mới thành lập thì những trường ĐH tự chủ gần đây thậm chí được nhiều quyền hơn”.
Liên quan đến bộ máy tổ chức, nhân sự, Phó Thủ tướng cho biết về nguyên tắc Bộ Nội vụ hoàn toàn đồng tình đối với các ĐH tự chủ được toàn quyền quyết định về nhân sự, “tuyển ai, như thế nào không cần phải làm đề án, mô tả vị trí việc làm như Luật Viên chức”; tự quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong.
“Vừa rồi tôi vào thăm ĐH Đà Nẵng, các đồng chí có kiến nghị thành lập thêm 3 trường ĐH thành viên. Tinh thần nếu ĐH Đà Nẵng đăng ký tự chủ thì trường tự quyết định tổ chức bên trong. Hay trước đây còn quy định những người có học hàm, học vị được kéo dài thời gian công tác sau khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chỉ làm chuyên môn thì đối với các trường ĐH tự chủ chúng ta không nên can thiệp nếu những giáo sư đó vẫn đầy đủ uy tín và được tín nhiệm ở vị trí quản lý”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Đề cập đến lo ngại của nhiều trường ĐH khi tự chủ sẽ không được ngân sách Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng nêu thực tế ở những quốc gia như Đức, Pháp trường ĐH tự chủ rất nhiều nhưng ngân sách nhà nước vẫn cấp kinh phí.
Nói về quy định cho phép các trường ĐH tự chủ được quy định mức học phí cao sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục của con em nông dân, người nghèo, Phó Thủ tướng cho rằng “mối quan tâm đấy là hoàn toàn chính đáng”.
Tuy nhiên, có thực tế cần tính đến là với mức học phí hiện quá thấp trong khi ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ yêu cầu đầu tư thì không thể nâng cao chất lượng ĐH đầu ra. Cùng với đó, hàng năm có rất nhiều sinh viên, học sinh phổ thông ra nước ngoài học hoặc “du học tại chỗ” với mức học phí cao gấp hàng trăm lần học phí trong nước.
Vì vậy, việc nâng học phí để nâng chất lượng đào tạo ĐH nhằm thu hút người học có khả năng chi trả và kết hợp với ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho sinh viên nghèo, con em nông dân, đối tượng chính sách... không làm ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của các em.
Phó Thủ tướng nêu ví dụ: Trường ĐH A trước khi tự chủ thống kê thấy trong số 1.000 sinh viên có khoảng 300 em thuộc đối tượng khó khăn, gia đình chính sách. Vậy khi trường nâng học phí phải kèm theo quy định có 300 học bổng hỗ trợ cho những sinh viên như vậy. Cùng với đó phần ngân sách của Nhà nước trước đây cấp cho chi thường xuyên, đầu tư sẽ chuyển thành hình thức hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên, “đặt hàng” nghiên cứu khoa học đối với các trường ĐH.
“Tóm lại ngân sách Nhà nước không cắt tiền đầu tư cho giáo dục ĐH nhưng cần thay đổi cách thức để tăng cường tính tự chủ, trách nhiệm của nhà trường. Tự chủ không phải là Nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục ĐH chỉ có điều thay đổi cách đầu tư”, Phó Thủ tướng khẳng định.