Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhiều trường đại học đổi mới phương thức tuyển sinh năm 2022

Kinhtedothi – Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Nhìn chung, phương án tuyển sinh của các trường giữ ổn định về quy mô nhưng có nhiều điểm mới về phương thức so với năm 2021.

Phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy
Kỳ thi đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm thì năm 2022, Trung tâm có kế hoạch tổ chức 7-8 đợt thi đánh giá năng lực với học sinh phổ thông, dự kiến từ tháng 2 đến tháng 8/2022 để sử dụng kết quả này xét tuyển vào các trường ĐH. Việc tổ chức nhiều đợt thi cũng tương ứng với xu thế tuyển sinh nhiều đợt mà các cơ sở ĐH của nhiều quốc gia đã làm. Tháng 2/2022, Trung tâm có thể tổ chức cho thí sinh tự do. Từ tháng 3 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 cũng có thể tham gia thi. Hơn nữa, đề thi kiểm tra năng lực khác với kiểm tra kiến thức thuần túy; các học sinh đều có thể thử sức vì nếu chưa đạt, sau 28 ngày có thể đăng ký thi lại lần mới.
Với mục tiêu sử dụng kết quả để phục vụ tuyển sinh diện rộng nên năm 2022, Trung tâm sẽ mở rộng hợp tác với nhiều trường ĐH trong khâu tổ chức. Đây sẽ là một kỳ thi được tổ chức linh động nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch. Mới đây, Trung tâm đã ký kết phối hợp tổ chức kỳ thi với trường ĐH Hà Nội (ngày 8/12) và ĐH Kinh tế Quốc dân (ngày 1/12). Để chuẩn bị cho việc tổ chức kỳ thi đạt kết quả tốt nhất, các bên liên quan sẽ phối hợp xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn chi tiết về phương án phối hợp để tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia thi.
 Đại diện Bộ GD&ĐT cùng các nhóm trường ĐH ký thỏa thuận hợp tác sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy trong tuyển sinh ĐH 2022
Trước đó (ngày 18/11), trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Công nghệ giao thông vận tải; ĐH Giao thông vận tải; ĐH Mỏ-Địa chất; ĐH Thăng Long; ĐH Thủy lợi đã nhất trí ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện trong năm 2022 để xét tuyển ĐH.
Bài kiểm tra tư duy có nhiều mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo, yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Toàn bộ phần kiến thức nằm trong kiến thức phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế; qua đó để đánh giá tư duy và năng lực cốt lõi của các em thí sinh, khả năng theo học các ngành đại học, đặc biệt những ngành khoa học kĩ thuật. Kỳ thi góp phần giúp cho xã hội và người học giảm áp lực số lần thi cử và di chuyển, giảm tốn kém vật chất, thời gian và công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, đặc biệt các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bổ sung phương thức xét tuyển
PGS. Vũ Duy Hải, Phó Trưởng Phòng Tuyển sinh ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Về cơ bản, năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội giữ nguyên các phương thức tuyển sinh như năm 2020 và 2021; tuy nhiên, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2020 chỉ sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy và hai môn tự nhiên tạo thành một tổ hợp xét tuyển, còn trong năm 2022, kết quả bài thi đánh giá tư duy được dùng riêng và tăng chỉ tiêu lên rất mạnh chiếm đến 60 – 70% trong tổng số 7.500 chỉ tiêu.
Trong buổi “Tư vấn tuyển sinh: Kỳ thi đánh giá tư duy 2022” theo hình thức trực tuyến mới diễn ra, đại diện ĐH Thủy lợi đã thông báo chỉ tiêu dự kiến của trường là khoảng 5.200 sinh viên cho 39 ngành đào tạo. PGS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo- ĐH Thủy lợi cho biết năm 2022 trường sẽ tuyển sinh dựa theo 4 phương thức là xét tuyển thẳng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn chiếm hơn 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
4 phương thức xét tuyển của ĐH Thăng Long là xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
 Nhiều trường ĐH bổ sung phương thức xét tuyển
PGS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng ĐH Giao thông Vận tải cho biết năm 2022, nhà trường sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức. Trong đó, xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức chủ đạo, chiếm từ 40 đến 50% chỉ tiêu tuyển sinh. Các phương thức còn lại là xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm hai môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT; và xét kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Năm 2022, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu ở 4 phương thức là xét tuyển thẳng và kết hợp; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập 3 năm THPT và xét kết quả thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.
PGS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội cho biết phương thức tuyển sinh của trường năm 2022 cơ bản giữ ổn định về quy mô, ngành đào tạo như năm 2021 nhưng bổ sung thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy do ĐH Bách khoa tổ chức. Theo đó, trường dành khoảng 30% chỉ tiêu cho xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (tương đương 800 chỉ tiêu). 70% còn lại là chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Với trường ĐH Hà Nội, TS Nguyễn Tiến Dũng- Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm 2021, trường tuyển sinh hệ chính quy theo 2 hình thức là xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Năm 2022, trường sẽ bổ sung thêm lựa chọn khi sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực phối hợp với ĐH Quốc gia tổ chức.
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngoài 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp thì năm nay trường có thêm phương thức xét tuyển khác, đó là dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì tổ chức.
Ngoài các trường ĐH phía Bắc, nhiều trường ĐH phía Nam cũng công bố phương án tuyển sinh 2022. Có thể thấy, phương thức tuyển sinh năm nay phong phú hơn năm trước khi nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong xét tuyển. Tuy vậy, phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được lựa chọn và coi là chủ đạo trong mùa tuyển sinh 2022 bởi chỉ tiêu dành cho phương thức này ở nhiều trường vẫn chiếm tỷ lệ từ 50-70%.
 
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

Tồn tại nhiều sai phạm tại Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La

11/01/2025 | 14:58

Kinhtedothi - Thanh tra tỉnh Sơn La chỉ rõ một số tồn tại, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí cải tạo, sửa chữa do Sở Giáo dục và đào tạo Sơn La và các đơn vị trực thuộc Sở làm chủ đầu tư.

Tin tài trợ