Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Ứng Hòa tập trung nâng cao giá trị cây lúa

Kinhtedothi - Bằng những giải pháp hiệu quả, thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã tập trung thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa ở địa phương.

Nâng cao giá trị sản phẩm
Ứng Hòa là huyện có diện tích cấy lúa lớn, với tổng diện tích hơn 9.000ha, tuy nhiên giá trị kinh tế mang lại không cao. Nguyên nhân là do canh tác nhỏ lẻ, nhiều giống lúa trên một cánh đồng, cộng với công nghệ phơi sấy, bảo quản sản phẩm lạc hậu. Các hộ sản xuất thường bảo quản theo kinh nghiệm nên chất lượng, tỷ lệ thu hồi thấp. Thóc thường phơi trên các sân bê tông hoặc đường nhựa, nên độ rạn, tạp chất sạn vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, Ứng Hòa chủ trương đẩy mạnh phát triển lúa hàng hóa. Theo đó, huyện đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất như giống lúa J02, Sơn Lâm 1, Sơn Lâm 2, Thiên Ưu 8... Trong đó giống lúa J02 có nguồn gốc từ Nhật Bản cho thấy rõ hiệu quả vượt trội.

Ứng Hòa đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyễn Nga

Sau 2 vụ canh tác giống lúa J02, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nội Xá Trần Quang Hòa cho biết, đã thấy rõ những ưu điểm vượt trội cả về năng suất, chất lượng và giá thành. Với năng suất đạt 65 – 70 tạ/ha, cao hơn từ 15 – 20% so với giống lúa truyền thống . Sau khi thu hoạch, lúa được DN thu mua ngay tại đầu bờ. "Trong những vụ tới, HTX sẽ tiếp tục triển khai cấy giống lúa này để nâng cao thu nhập cho bà con xã viên" – ông Hòa nói.

Theo kế hoạch, năm 2018, Ứng Hòa tiếp tục hỗ trợ các HTX 100% giống lúa J02 và thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến, vụ Xuân 2018, toàn huyện sẽ gieo cấy 2.300ha giống lúa này. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất như cấy thưa, cấy nhỏ rảnh và áp dụng biện pháp "3 giảm 2 tăng" để hạn chế chi phí thuốc trừ sâu, tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Ngoài ra, để nâng cao giá trị lúa gạo sau thu hoạch, huyện cũng đặc biệt quan tâm tới công tác chế biến và bảo quản sản phẩm. Hiện nay, HTX Đoàn Kết, xã Trung Tú đang đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến lúa gạo với công suất 300 – 400 tấn/ngày. Khi đi vào hoạt động, HTX sẽ thu mua thóc tươi của người dân, sau đó sấy khô, xay xát thành gạo thành phẩm xuất bán ra thị trường.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết

Mặc dù sản lượng lúa hàng năm lớn, song do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không theo yêu cầu của thị trường nên thường xuyên tái diễn điệp khúc được mùa mất giá, làm giảm thu nhập của người nông dân và đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn, sở dĩ thời gian qua sản xuất lúa gạo của Ứng Hòa không đem lại hiệu quả cao bởi giữa các bên thiếu sự liên kết. Chưa hình thành tổ chức đại diện cho các đơn vị tham gia cùng mua chung, bán chung một sản phẩm. HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện còn yếu, chưa đa dạng dịch vụ đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Vì vậy, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. Trong đó ưu tiên việc thu hút DN chế biến, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người dân. Xây dựng quy chế, quy định cho hệ thống thu mua tránh tình trạng tranh mua tranh bán, phá vỡ hợp đồng, gây thiệt hại cho các bên.

Cùng với đó, xây dựng các mô hình canh tác bền vững, đạt hiệu quả cao để có thể nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo. Liên kết DN, HTX với nông dân, tạo mối liên hệ chặt chẽ. Các HTX, tổ nhóm sản xuất đại diện cho các hộ sản xuất thành vùng tập trung, có hợp đồng liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh. Các thành viên tham gia trong chuỗi liên kết cùng nhau xây dựng một quy trình sản xuất chung, đồng bộ và xuyên suốt. Từ đó giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, cơ cấu giá thành phù hợp nhất và chất lượng hạt gạo tốt nhất. Các thành viên sẽ tự giác thực hành theo quy trình và có kiểm soát chéo lẫn nhau để cùng duy trì thương hiệu tập thể. Nếu duy trì tốt quy trình này thì thương hiệu gạo Ứng Hòa sẽ lan tỏa nhanh trên thị trường.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

Huyện Phúc Thọ: hướng đến “nông nghiệp thuận thiên”

12/01/2025 | 15:51

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo” đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện theo hướng giá trị cao và bền vững.

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

Huyện Chương Mỹ: thêm những miền quê đáng sống

11/01/2025 | 10:21

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2021 đến nay, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 1.600 tỷ đồng để nâng cấp đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội. Diện mạo nông thôn của địa phương này ngày một đổi thay tích cực.

Tin tài trợ