Văn hóa học đường: Chưa được chú trọng
Kinhtedothi - Thời gian gần đây liên tục xuất hiện trên mạng xã hội, facebook... những cảnh ẩu đả không chỉ của học sinh (HS) nam mà cả HS nữ.
Có những quan điểm khác nhau về cách "kết tội" và quy trách nhiệm, song nhiều ý kiến cho rằng, nhà trường mới chỉ chú trọng dạy chữ, còn việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học chưa được quan tâm đúng mức.
Vẫn bệnh hình thức
Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020" của Chính phủ được ban hành từ tháng 8/2015, nêu rõ: Để xây dựng môi trường nhà trường thân thiện, lành mạnh cần xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Do đó, việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các nhà trường. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, hầu hết các nhà trường đã triển khai việc xây dựng, thực hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, nhưng đa số các bộ quy tắc ứng xử được xây dựng chung chung, khó nhớ, khó khả thi.
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - |
TS Trương Đình Chiến - Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng văn hóa học đường, cụ thể là việc ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không phải là vấn đề mới, nhưng chưa được quan tâm vì có sự lệch lạc, thiếu sót trong nhận thức của chính đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, ban giám hiệu nhà trường. “Hiện, quy tắc này chỉ được các nhà trường nhắc đến khi có đợt kiểm tra, còn ý nghĩa cơ bản của Quy tắc ứng xử trong việc giáo dục HS lại bị bỏ qua. Bởi thế, tác dụng của Quy tắc ứng xử trong việc giáo dục nền nếp văn hóa đối với HS còn hạn chế” – ông Chiến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng nhận định: Việc triển khai cuộc vận động xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực" của ngành GD&ĐT những năm gần đây có thể coi là cách tiếp cận xây dựng văn hóa học đường, nhưng việc tổ chức thực hiện về cơ bản vẫn dừng lại ở một hoạt động mang tính phong trào. Trên thực tế, việc xây dựng một cách có ý thức các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn hình thức, chưa thực sự được coi trọng.
Không nên cứng nhắc
Trước thực trạng có những biểu hiện xuống cấp về văn hóa, lệch lạc về tư tưởng đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên, HS, nhiều chuyên gia cho rằng, quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học không cần phải đóng khung, cứng nhắc, mà hoàn toàn có thể biến đổi theo những diễn biến của cuộc sống xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, một giáo viên trường THCS thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) nhận định, để ngăn cản trào lưu chung của giới trẻ là rất khó, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường cùng hướng dẫn, định hướng cho các em. “Trên thực tế, một bộ phận HS, không chỉ HS TP mà ngay cả HS các huyện ngoại thành như chúng tôi, không ít em bỏ học, sa sút trong học tập vì mải mê chơi game. Việc này, chúng tôi phải từng bước điều chỉnh, không cấm chơi game, thậm chí nhà trường khuyến khích các em chơi, nhưng phải là các trò chơi lành mạnh. Cuộc thi gameonline với những loại game mang tính giáo dục được nhà trường lựa chọn khiến các em rất hồ hởi” – giáo viên này chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) cũng cho rằng, trong quá trình giáo dục HS, xây dựng nếp văn hóa học đường, người thầy đóng vai trò dẫn lối. Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, nhiệm vụ của thầy cô giáo không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức, mà quan trọng hơn là bồi dưỡng cho các em về kỹ năng, để những nét đẹp văn hóa trở thành thói quen trong nếp sống hàng ngày.
Rõ ràng, việc xây dựng Quy tắc ứng xử văn hóa không chỉ nhằm giáo dục HS, mà còn có tác động mạnh mẽ, tích cực đến chất lượng đội ngũ nhà giáo. Muốn giáo dục HS thì chính đội ngũ nhà giáo phải nâng cao năng lực, kỹ năng của mình, bắt đầu từ những việc nhỏ trong quy tắc ứng xử với HS, với đồng nghiệp, với phụ huynh, với các tình huống liên quan tới HS...