Theo cáo trạng, bị cáo Trần Trọng Mừng - nguyên Tổng Giám đốc TISCO cùng các cá nhân có liên quan thuộc TISCO, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) biết rõ và xác định không có căn cứ để điều chỉnh hợp đồng EPC số 01#, điều chỉnh chi phí tăng thêm của phần C. Các bên đều phải có nghĩa vụ tuân thủ nghiêm túc, tôn trọng các điều khoản đã ký trong hợp đồng EPC số 01#. Ngoài ra, TISCO chỉ dựa trên sự giới thiệu của Bộ Công Thương tại văn bản số 4320/BCT-CNNg ngày 14/5/2009 mà không tiến hành thẩm định và cũng không có căn cứ pháp lý nào để xác định VINAINCON có đủ năng lực làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#.
|
Các bị cáo tại phiên toà. |
Tuy nhiên, Trần Trọng Mừng vẫn chỉ đạo các bị cáo khác tham mưu, ký kiểm soát để bản thân ký văn bản có nội dung báo cáo Bộ Công Thương và VNS đề nghị báo cáo Chính phủ phê duyệt chủ trương chọn VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C và được phép điều chỉnh chi phí thực hiện phần C cho nhà thầu phụ Việt Nam.
Tại phiên toà, trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện VINAINCON cho biết, khi tham gia gói thầu, VINAINCON được xác định là một trong những nhà thầu lớn nhất tại thời điểm đó của Việt Nam. VINAINCON đã tham gia vào nhiều dự án lớn và hoàn toàn đáp ứng được việc tham gia dự án này.
Bên cạnh đó, vị đại diện của VINAINCON cho rằng việc điều chỉnh giá là giải pháp cứu cánh cho dự án, không liên quan đến lợi ích của VINAINCON trong thời điểm đó. Sau khi ký hợp đồng thầu phụ, VINAINCON đã triển khai, giao cho các đơn vị là công ty thành viên, công ty trực thuộc của VINAINCON để thực hiện dự án. Ngoài ra, đại diện của đơn vị này cũng cho biết, VINAINCON có ký với 3 nhà thầu phụ bên ngoài, trong đó có 1 nhà thầu phụ nước ngoài (đây là hợp đồng kế thừa lại giữa TISCO đã ký với nhà thầu Trung Quốc - MCC trước đây), 2 nhà thầu phụ bên ngoài còn lại thực hiện công việc rất nhỏ trong dự án, hoàn toàn phù hợp với Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng.
Liên quan đến việc giới thiệu nhà thầu phụ VINAINCON, người đại diện theo ủy quyền của Bộ Công Thương có mặt tại phiên tòa cho biết, Bộ chỉ có văn bản giới thiệu nhà thầu phụ, còn quyết định hay không là do VNS và TISCO. Còn về vấn đề đồng ý giao cho VNS điều chỉnh giá của gói thầu 01#EPC, vị đại diện khẳng định, những văn bản của Bộ Công thương đều được ký đúng pháp luật. Thời điểm xảy ra vụ án, nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí phải điều chỉnh là do biến động về giá của vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường…
Tuy nhiên, bị cáo Mai Văn Tinh - nguyên Chủ tịch HĐQT VNS lại nhiều lần nhắc lại rằng VNS chỉ là đơn vị giới thiệu nhà thầu phụ trên cơ sở các văn bản giới thiệu của các Bộ ngành. Tương tự, khai tại tòa, bị cáo Mừng cho biết, đề xuất giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ của TISO là dựa trên sự giới thiệu trước đó của Bộ Công thương.
Trong khi đó, bị cáo Đặng Văn Tập - nguyên Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO cho biết, có nhận được thông báo của thứ trưởng Bộ Công thương từ chủ đầu tư nhưng không nói đến việc dừng dự án. Chính vì văn bản chỉ đạo tiếp tục dự án này nên 19 bị cáo mới phải đứng trước toà ngày hôm nay.
Theo bị cáo Tập, sau khi ký hợp đồng nhà thầu phụ, VINAINCON dần thực hiện yếu kém, thi công một số hạng mục rồi dừng nên đã có văn bản gửi nhiều nơi, trong đó có Bộ Công thương. Do VINAINCON không thực hiện hợp đồng, từ tháng 3/2010, TISCO đã có văn bản gửi lên Bộ và sau 12 tháng mới có thêm nhà thầu phụ. “Việc lựa chọn các nhà thầu phụ là hệ quả của việc VINAINCON dừng thi công” - bị cáo Tập khai.