Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Vì sao EU có thể chấp nhận mạo hiểm lưu trữ khí đốt ở Ukraine?

Kinhtedothi - Tờ Bloomberg giải thích, việc lưu trữ thêm nhiên liệu ở Ukraine có thể ngăn chặn tình trạng hết kho dự trữ khí đốt tại châu Âu trong những tháng tới.

Một công nhân đang vận hành tại cơ sở lưu trữ khí đốt Bilche-Volytsko-Uherske ở Ukraine. Ảnh: AFP

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét dự trữ một số khí đốt tự nhiên tại Ukraine để tăng thêm nguồn cung dự phòng cho mùa Đông sắp tới, bất chấp những rủi ro do tình hình chiến sự tại nước này.

Bloomberg cho hay, việc dự trữ nhiên liệu của EU nhằm tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năng lượng của năm 2022. Kho dự trữ khí đốt của khối hiện đã được lấp đầy hơn 70% và dự kiến ​​sẽ đạt 100% công suất vào cuối tháng 8 tới.

Bloomberg giải thích, việc lưu trữ thêm nhiên liệu ở Ukraine có thể ngăn chặn tình trạng dư thừa nguồn cung vì hết công suất dự trữ trong những tháng tới.

Trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, EU nhận phần lớn nguồn cung khí đốt của Nga qua tuyến đường ống Nord Stream. Trong năm ngoái, Điện Kremlin đã dần siết chặt nguồn cung cấp khí đốt sang châu Âu sau khi EU áp các lệnh trừng phạt chống Moscow, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng. Giá khí đốt tại châu Âu đã thiết lập mức kỷ lục tới 3.600 USD/1.000 mét khối vào tháng 8/2022.

Trong những tháng gần đây, giá khí đốt đã hạ nhiệt, giảm khoảng 10 lần so với mức đỉnh năm ngoái và hiện giao dịch ở mức 330 USD/1.000 mét khối.

Trong phiên giao dịch ngày 13/6, giá khí đốt châu Âu giảm phiên thứ hai liên tiếp trong tuần này. Cụ thể, giá khí đốt hợp đồng giao tháng 7 giảm tới 8,5% so với phiên trước đó trong bối cảnh triển vọng nhu cầu tăng chậm và mức tồn kho nhiên liệu tăng cao.

Theo Bloomberg, giới chức châu Âu đang xem xét sử dụng cơ sở lưu trữ Bilche-Volytsko-Uherske, nằm ở phía Tây Ukraine, cách biên giới Ba Lan khoảng 100 km. Cơ sở này có thể dự trữ lượng khí đốt nhiều gấp 4 lần so với cơ sở lớn nhất tại Đức.

Cơ sở lưu trữ khí đốt Bilche-Volytsko-Uherske ở Ukraine có công suất cao gấp 4 lần so với cơ sở trữ khí đốt lớn nhất ở Đức. Ảnh: Ukrtransgaz

Ukraine có mạng lưới vận chuyển khí đốt lớn vì nước này trong nhiều thập kỷ là quốc gia trung chuyển năng lượng của Nga sang châu Âu. Công suất lưu trữ khí đốt của Ukraine hiện đạt tới  31 tỷ mét khối, lớn nhất ở châu Âu.

Ukrtransgaz, công ty điều hành các kho trữ khí đốt của Ukraine, đang sẵn sàng cho thuê 1/3 công suất đó, đủ để đáp ứng khoảng 10% nhu cầu khí đốt của EU trong tháng 3/2023.

Mặc dù vậy, một số thương nhân và công ty khí đốt châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về những rủi ro liên quan đến cuộc xung đột quân sự đang diễn ra ở Ukraine.

Theo phóng viên Rachel Morison của Bloomberg, với việc ngành bảo hiểm đang tránh xa Ukraine, mức độ mà các công ty kinh doanh năng lượng sẵn sàng dự trữ khí đốt ở Ukraine phụ thuộc vào giá cả và liệu EU có sẵn sàng cung cấp hỗ trợ hay không. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin nào được tiết lộ cam kết của EU về vấn đề này.

Châu Âu hiện vẫn nhận được nguồn cung khí đốt hạn chế của Nga thông qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.  Từ cuối tháng 9 năm ngoái, Nga đã cắt hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt cho EU qua Nord Stream sau khi hai đường ống của hệ thống chạy dưới biển Baltic bị hư hại trong một cuộc tấn công phá hoại.

Cuộc điều tra về vụ tấn công đường ống khí đốt Nord Stream của Nga vẫn đang được các nước châu Âu tiến hành. Tờ Wall Street Journal tuần trước đưa tin, các nhà điều tra Đức đang tìm cách xác định liệu Ba Lan có đóng vai trò trong vụ tấn công hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào tháng 9/2022 hay không.

Các quan chức Berlin tin rằng những kẻ phá hoại Nord Stream mang quốc tịch Ukraine đã sử dụng Ba Lan làm căn cứ điều hành trước khi thực hiện vụ tấn công.

Châu Âu đã bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng của Nga bằng việc tăng mạnh nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đặc biệt là từ Mỹ. Ngoài ra, EU cũng tăng cường mua thêm LNG của Na Uy và Algeria.

Các nhà phân tích tại Bernstein dự đoán, trong mùa Đông sắp tới, nguồn dự trữ khí đốt của châu Âu sẽ nhanh chóng giảm xuống mức 48% trong đầu năm 2024, thấp hơn nhiều so với đầu năm nay.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Tin tài trợ