Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Vụ xét xử Thuduc House: Các bị cáo làm giả những gì?

Kinhtedothi – Trong vụ án tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), mà TAND TP Hồ Chí Minh đang xét xử với nhiều tội danh, trong đó có nhóm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sản xuất hàng giả”. Vậy họ đã làm giả những gì?

Làm 6 CMND giả để lập 5 công ty “ma”

Ngày 7/6, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Thuduc House gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 365 tỷ đồng. Trong 9 nhóm tội danh, có nhóm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Sản xuất hàng giả”, vậy các bị cáo của 2 nhóm tội danh nêu trên đã làm giả những gì và sản xuất hàng giả gì?

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ năm 2016- 2020, Trịnh Tiến Dũng (SN 1973, cầm đầu vụ án, đang bị truy nã) chỉ đạo thành lập nhiều công ty “ma” ở ngoài nước, như: Mỹ, Campuchia, Hồng Kông, Malaysia và Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất. Trịnh Tiến Dũng sử dụng pháp nhân các công ty: Lams, Avi, Kimco, Fomula, Meas Cheny, Rothady, Akchalnak, Abutech, DSPSG, WZH, Stronics Global, Icentre...

Các bị cáo bị bắt giam trong vụ án xảy ra tại Thuduc House.

Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên (SN 1990, Giám đốc Công ty TNHH MEGA E&T VN và Công ty TNHH Đầu tư Nhà hàng Phố), Trần Nhất Thanh (SN 1992, nhân viên của Dũng), Mạc Văn Nguyện (SN 1978), Nguyễn Hoàng Lân (SN 1991), Nguyễn Thiên Phú (SN 1994, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh dịch vụ Hòa Thành), Đinh Công Thành (SN 1993, nguyên Giám đốc Công ty TNHH TMDV Điện tử Lion)..., sử dụng CMND của người khác (do cho mượn, bị thất lạc...) thuê làm giả và sử dụng CMND giả để thành lập các công ty “ma”.

Cụ thể, ngày 9/8/2020, Dũng chỉ đạo Trần Nhất Thanh lập nhóm chat “Thẻ xanh” trên ứng dụng WhatsApp gồm: Thanh và các nhân viên của Thanh là Lân, Phú để làm CMND giả, sau đó dùng để lập công ty “ma”. Cùng ngày, Thanh trao đổi với Lân đưa cho Phú 6 CMND (do Nguyện mua tại các cửa hiệu cầm đồ) để Phú cắt lấy 6 ảnh trên các CMND. Tiếp đó, Phú liên hệ với Trương Hoàng Anh qua Facebook (là bạn cùng hội chơi xe MSX với Phú và Thành), thuê làm giả 6 CMND với giá 1 triệu đồng/CMND giả và 40.000 đồng/1 bản công chứng. Phú yêu cầu Lân và Thành bóc 6 ảnh từ 6 CMND và hình chụp ảnh 6 CMND đã bị cắt ảnh, gửi cho Hoàng Anh. Phú và Anh thống nhất làm CMND giả bằng cách đưa ảnh sao cho phù hợp với thông tin của các CMND đã bị cắt ảnh để tránh bị phát hiện.

Ngày 13/8/2020, Thanh chuyển 2 triệu đồng cho Anh. Để làm giả CMND, Anh tìm trên mạng và thuê đối tượng có nickname “Dũng DN” làm giả 6 CMND và công chứng 3 bản/1 CMND giả với giá 4.250.000 đồng. Sau khi làm CMND giả xong, “Dũng DN” giao cho Anh, gồm các tên: Cao Xuân Trường, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Hoàng Tuấn, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thị Mai. Sau đó Anh nhận 4 triệu đồng tiền công từ Phú rồi chuyển 6 CMND giả cho Thành để chuyển cho Lân. Lân sử dụng 5 CMND giả, ký giả chữ ký của 5 người đứng tên trong CMND để làm thủ tục đăng ký thành lập 5 công ty “ma”, gồm: Công ty TNHH PTDVXNK Thành Phát; Công ty TNHH TMDV Trúc Nhã; Công ty TNHH PT TMDV XNK Thiên An; Công ty TNHH TMDV Châu Văn và Công ty TNHH XNK Mai Trần.

Sản xuất chip và ram giả trị giá gần 1.000 tỷ đồng

Sau khi thành lập 5 công ty “ma” nêu trên, Lân mua Token key (chữ ký số), hóa đơn điện tử của 5 công ty từ đơn vị cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hy; còn Thành mua sim điện thoại rác lấy số thuê bao để đãng ký mở tài khoản ngân hàng và bàn giao cho Thanh quản lý (cùng với việc quản lý Token key); Lân quản lý con dấu và đăng ký kinh doanh.

Các bị cáo được tại ngoại trong vụ án xảy ra tại Thuduc House.

Để giảm chi phí và tạo nguồn hàng có sẵn dùng cho việc xuất nhập khẩu quay vòng, nâng giá, tạo dòng tiền phục vụ việc vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Duy Anh (SN 1990) và Vũ Văn Trường (SN 1994, cả 2 là nhân viên quản lý kho của Dũng) làm giả linh kiện điện tử (ram, chip) có dung lượng, tốc độ cao từ các loại linh kiện dung lượng, tốc độ thấp hoặc không có nguồn gốc xuất xứ; làm giả đĩa CD, DVD chứa phần mềm Rom Adobe Creative Suite 6 Design & Web Education Edition Academic ID required giả.

Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo mua máy in khắc laser Caturos, chuẩn bị sẵn linh kiện điện tử như: ram, chip... là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, nhập về kho hàng tại số 71 đường Số 1, Cư xá Đô Thành (phường 4, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Sau đó Trường và Duy Anh thực hiện việc vệ sinh, in khắc các thông tin hàng hóa, thông số kỹ thuật, dán nhãn, đóng gói đế xuất khẩu quay vòng.

Đối với CD Rom hoặc DVD Rom chứa phần mềm Rom Adobe Creative Suite 6 Design & Web Education Edition Academic ID required giả (viết tắt là Rom Adobe giả), vào tháng 9/2020 Trường đặt mua trên mạng 2.000 cái, gồm hộp, đĩa, tem và bọc với giá 31,5 triệu đồng. Sau đó Trường, Duy Anh nhận mã key do Dũng gửi qua mạng rồi in và dán tem lên từng đĩa, đóng gói chuyển ra nước ngoài.

Đối với ram, Trường và Duy Anh dùng loại ram cũ, dung lượng thấp, làm hỏng bộ nhớ để tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Sau đó vệ sinh, dán tem thành Ram có dung lượng cao rồi đóng gói theo vỉ hoặc túi niion. Đối với chip, Trường và Duy Anh dùng máy in khắc laser Caturos để in nhãn mác, các thông số kỹ thuật lên các loại Chip chưa có nhãn mác, thông số kỹ thuật.

Sau khi xảy ra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khám xét kho hàng của Trịnh Tiến Dũng, tiếp nhận từ Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan 33.869 sản phẩm (gồm 22 chủng loại: Đĩa DVD Rom, logo “Adobe Creative Suite 6 Design & Web Premium” 2.696 cái; 6 loại ram, số lượng 19.479 cái; 13 loại chip, số lượng 11.693 cái; 1 máy khắc laser Caturos).

Ngày 15/12/2021, Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP Hồ Chí Minh có kết luận định giá xác định giá của 5.950 chip Intel Xeon Platinum inside XEON 8168 là 966,9 tỷ đồng; 1.232 chip Intel Xeon W-2197 là 101,5 triệu đồng; 3.580 chip AMD EPYC 7704P trị giá gần 20 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng giả tương đương với hàng thật là 986.204.623.825 đồng.

 

Chuyển hàng lòng vòng rồi quay về Việt Nam

Số hàng giả nói trên nhằm hợp thức hóa cho hàng xuất khẩu cho các công ty khác nhau nhưng đều được vận chuyển đến Campuchia hoặc Hồng Kông để sau đó quay vòng về Việt Nam (gửi lẫn với hàng hóa nhập khẩu khác hoặc thuê xe khách vận chuyển bằng đường bộ từ Campuchia). Trịnh Tiến Dũng trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên liên hệ với Nguyễn Văn Lành (SN 1967, Giám đốc Công ty TNHH An Lành Phát và Công ty TNHH Bình Thạnh) và lãnh đạo Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam (Công ty Sài Gòn Tây Nam) để bàn bạc, thống nhất việc công ty của Lành, Công ty Sài Gòn Tây Nam thực hiện các thương vụ mua linh kiện điện tử, sau đó xuất khẩu theo chỉ định của Dũng (chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa; bên mua và bán hàng hóa đều là các công ty của Dũng). Thông qua việc thanh toán tiền mua hàng và hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa xuất khẩu, Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm đã chiếm đoạt của Nhà nước toàn bộ tiền thuế GTGT đã được hoàn của các thương vụ nêu trên.

Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây mua bán thận

Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây mua bán thận

17/01/2025 | 14:17

Ngày 17/1, thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an triệt phá, khởi tố 3 đối tượng trong đường dây mua bán thận.

Hà Nội: khống chế 2 thanh niên đi xe máy đâm cảnh sát 141H bị thương

Hà Nội: khống chế 2 thanh niên đi xe máy đâm cảnh sát 141H bị thương

17/01/2025 | 13:38

Cảnh sát 141 làm nhiệm vụ trên tuyến đường Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng đã phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển xe máy có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe. Tuy nhiên, 2 đối tượng lao thẳng vào lực lượng trinh sát của Tổ công tác Y20B Công an quận Nam Từ Liêm khiến một chiến sỹ bị thương.

Tin tài trợ