Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Xây dựng ga ngầm C9 khu vực hồ Hoàn Kiếm: Tiếp tục lắng nghe để “ứng xử” phù hợp

UBND TP Hà Nội vừa có thông báo về việc đặt 2 cửa ga tàu điện C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Ngay sau kết luận của TP, trong dư luận xuất hiện nhiều ý kiến đa chiều về vấn đề này. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đức Nghĩa -Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở QH - KT Hà Nội cho biết, các phương án khu vực đã được xem xét. Tuy nhiên, vị trí cụ thể và hình thức kiến trúc vẫn đang nghiên cứu. Tất cả các ý kiến đồng tình hay lo lắng đều là những quan điểm để TP tiếp nhận, cân nhắc hết sức thận trọng, trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Xin ông cho biết rõ lý do tại sao vị trí ga ngầm C9 lại được xác định tại khu vực hồ Hoàn Kiếm mà không phải vị trí khác?
- Để xác định một nhà ga thì đầu tiên cần xác định tuyến. Quá trình triển khai từ năm 2008 thống nhất các phương án tuyến phải đáp ứng yêu cầu vận tải lượng khách của tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, ngoài việc phù hợp với tuyến số 2 cũng phải nghiên cứu sự kết hợp với các tuyến đường sắt khác nằm trong 8 tuyến được quy hoạch tổng thể. Quá trình nghiên cứu khu vực ga C9 với hướng tuyến đi vào khu vực Hồ Gươm trước đây đã đề xuất đến 3, 4 phương án. Có phương án đến khu vực giáp đê sông Hồng – Trần Nhật Duật. Hay phương án đến Nhà hát lớn và phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, các phương án này không đáp ứng được yêu cầu thứ nhất là đảm bảo lượng hành khách trong định hướng phát triển quy hoạch của Thủ đô. Tức là khoảng cách 500m đến vị trí các nhà ga để đáp ứng yêu cầu phục vụ hiệu quả nhất. Còn về vị trí ga C9 tại sao không đặt ở vị trí khác cũng được nghiên cứu kỹ. Ga C9 nằm giữa ga C8, C10, trong đó ga C8 kết nối với tuyến đường sắt số 1, phía bốt Hàng Đậu. Ga C10 nằm ở trên phố Hàng Bài và kết nối với tuyến số 3. Giữa hai ga này thì buộc lòng phạm vi ga số 9 phải đảm bảo khoảng cách giữa các ga theo quy định 1 cây số.
Ông có thể nói rõ hơn về tổng mặt bằng ga C9?
- Tổng mặt bằng ga C9 có 4 lối lên xuống. Hiện nay, 2 lối nằm trong khuôn viên Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã được thẩm duyệt. Hai lối lên xuống còn lại nhận được sự quan tâm của dư luận đang trong quá trình lấy ý kiến. Khu vực hồ Hoàn Kiếm vị trí lối lên xuống dự kiến kích thước 6,3mx17m. Khu vực Tượng đài Cảm Tử có quy mô 14,5mx4,7m. Quy mô linh hoạt do vị trí nhưng tổng quy mô lên xuống vẫn phải đáp ứng được yêu cầu thoát nạn, thoát hiểm.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm được đánh giá có kết cấu đặc biệt, nền móng địa chất yếu. Vậy khi tiến hành xây dựng ga ngầm C9 có ảnh hưởng không, thưa ông?
- Thực tế nghiên cứu các tuyến đường sắt đô thị trên thế giới và Hà Nội nhận thấy rằng, cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất công trình là các yếu tố có ảnh hưởng tới sự ổn định lâu dài của dự án và cả Hồ Gươm. Do đó, khi thiết kế, vấn đề này được xem xét nghiêm túc. Ga C9 có đỉnh cách mặt đất khoảng 5 - 6m, nền cách hơn 20m. Trong phương án thiết kế, không riêng ga C9 mà các ga ngầm khác đều phải khảo sát và phương án đề xuất đã tính toán về yếu tố địa chất. Khi triển khai xây dựng chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu vẫn tiếp tục nghiên cứu.
Khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh hồ Hoàn Kiếm) rất “nhạy cảm” do nằm trong khu vực bảo tồn. Là một trong những đơn vị được giao trách nhiệm nghiên cứu, Sở QH - KT đề xuất cách “ứng xử” ra sao?
- Tôi khẳng định đến giờ phút này, các phương án khu vực đã được xem xét. Tuy nhiên, vị trí cụ thể và hình thức kiến trúc vẫn đang xây dựng. Sau đó TP mới lấy ý kiến rộng rãi, đảm bảo cao nhất các điều kiện liên quan đến khu vực bảo tồn, ứng xử hết sức cẩn trọng khi triển khai.

Khu vực dự kiến xây dựng điểm lên xuống số 3, Nhà ga C9 giáp hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng

Lối lên xuống thứ 3 tại vị trí khu vệ sinh công cộng phía Hồ Gươm đang được UBND TP Hà Nội rất quan tâm. Do đó, lối lên xuống này dự kiến bố trí vào khu vực thích hợp. Vừa kết hợp lối đi cho người đi bộ lại hạ ngầm nhà vệ sinh kết hợp với ga. Phương án này thỏa mãn yếu tố: phục vụ việc đi lại của hành khách, đảm bảo quy định về thoát nạn, PCCC, và giải quyết được vấn đề nhà vệ sinh hiện tại. Tại lối lên xuống thứ 4 đã đề xuất nằm ở khu vực đền Bà Kiệu. Trong phương án hiện nay, TP giao cho Sở QH - KT, Ban quản lý đường sắt đô thị và một số bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để khẳng định vị trí cụ thể. Quá trình triển khai báo cáo với TP về phương án tích hợp với dự án phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận. Khi triển khai phố đi bộ sẽ tạo điều kiện bố trí lối lên xuống thích hợp hơn, ít ảnh hưởng đến khu vực bảo tồn lịch sử do không còn phương tiện cơ giới đi lại.
Về cảnh quan kiến trúc thì phương án kiến trúc sơ bộ với hai lối lên xuống được đề xuất hình thức không có mái che, tránh tranh chấp với cảnh quan khu vực. Đặc biệt chỉ xây dựng lan can nhằm hoạch định khu vực lên xuống, đảm bảo an toàn. Khi nghiên cứu kỹ, lan can sẽ kết hợp cây xanh, hài hòa với khu vực yên bình quanh hồ. Cũng khẳng định, lối lên xuống 3, 4 không kết hợp dịch vụ thương mại mà chỉ là lối lên xuống thuần túy phục vụ hành khách.
Xin cảm ơn ông!
Bây giờ phải rõ ràng rằng đặt hai lối lên xuống 3, 4 (sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh công cộng phía hồ Hoàn Kiếm) ảnh hưởng đến cảnh quan lịch sử cụ thể ở những điểm gì? Không thể nói chung chung, vì vị trí ở đấy nhạy cảm để đưa ra những lo lắng cũng chung chung. Về phương diện kiến trúc cả hai lối lên xuống được đề xuất không có mái che, chỉ có bậc lên xuống và lan can thì cá nhân tôi thấy không ảnh hưởng gì lắm đến đi lại và cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm. Thậm chí, lối lên xuống đặt tại phía bờ hồ còn tạo điều kiện để hạ ngầm khu nhà vệ sinh công cộng xuống ga thì càng văn minh hơn chứ sao? Lâu nay chỗ nhà vệ sinh  công cộng cũng ít người, nên đâu quá ảnh hưởng đến việc đi lại hiện hành. Câu hỏi đặt ra tiếp theo là người lên đông thì có làm hư hỏng cảnh quan không? Thực tế, hồ Hoàn Kiếm vốn dĩ đã rất nhộn nhịp rồi còn gì? Hành khách lên rồi cũng tỏa đi chứ có ở lâu đâu? Còn phía sau đền Bà Kiệu cũng là nơi khuất mắt, không tranh chấp với cảnh quan tại khu vực. Đặc biệt bố trí lối lên xuống hai bên như vậy thuận lợi cho hành khách muốn đi phố cổ thì lên chỗ đền Bà Kiệu, muốn đi vòng quanh hồ thì lên bờ Hồ một cách dễ dàng hơn. Đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho họ khỏi phải đi ngang qua đường, muốn lên bên nào thì lên, vì khu vực này mật độ phương tiện cơ giới đi lại đông. Vì vậy, tôi nghĩ các đơn vị tham gia nghiên cứu cũng đã tính toán khá hợp lý, cụ thể. 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm
Chia sẻ

BÌNH LUẬN (0)

Chuyển đổi số để tối ưu hiệu quả quản lý vận tải

Chuyển đổi số để tối ưu hiệu quả quản lý vận tải

20/01/2025 | 08:27

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Đào Việt Long cho biết, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ đã mang đến những kết quả thiết thực, rõ rệt cho công tác quản lý GTVT của Hà Nội.

TOD và bài toán quy hoạch

TOD và bài toán quy hoạch

19/01/2025 | 09:24

Kinhtedothi - Transit Oriented Development (TOD) là định hướng phát triển đô thị lấy vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) nhanh, khối lớn làm hạt nhân trung tâm. Đây cũng là định hướng phát triển của Hà Nội trong hiện tại và tương lai, tuy nhiên TOD cũng đặt ra cho TP bài toán khó về quy hoạch.

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

Hà Nội: Tạm dừng đào đường, hè phố dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025

17/01/2025 | 21:58

Kinhtedothi- Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Sở GTVT Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị tạm dừng thi công đào đường, hè trên địa bàn TP từ ngày 22/1 - 12/2/2025.

Tin tài trợ