Friday, 11:44 11/11/2016
Xử lý quán “cóc” vỉa hè: Thiếu sự vào cuộc đồng bộ
Kinhtedothi - Quán “cóc” vỉa hè đã xuất hiện từ lâu, nhiều người cho rằng ở góc độ văn hóa đó là một “đặc sản” của Hà Nội.
Tuy nhiên, ở khía cạnh quản lý trật tự đô thị, đây thật sự là những “mụn cơm” cần kiên quyết loại bỏ để bộ mặt Hà Nội được sáng đẹp, văn minh hơn.
Hình ảnh quen thuộc
Đi qua bất kỳ con đường, tuyến phố, ngõ ngách nào của Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh những quán “cóc” với dăm ba cái ghế nhựa. Phần lớn các quán này bán trà đá, ngoài ra một số mặt hàng ăn uống khác như nước mía, chè cháo, đồ ăn nhanh… cũng là thực đơn quen thuộc của loại quán vỉa hè này khi khách có nhu cầu. Ở đó người già, người trẻ, thanh niên, phụ nữ thường túm năm tụm ba, thản nhiên ngồi ăn, uống, xả rác, tán chuyện, mà ít ý thức được rằng mình đang cản trở lối đi của người khác và góp phần làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn, kém văn minh. Xuất hiện ở khắp nơi, tuy nhiên những quán "cóc" tập trung thành cụm ở những điểm có nhiều người vãng lai như cơ quan, trường học, vườn hoa, công viên, đường ven hồ... Khách của những quán này cũng rất đa dạng từ công chức, người lao động đến học sinh, sinh viên. Chính vì sự nhỏ gọn, dễ cơ động của những vật dụng bán hàng và lượng khách luôn đông nên mặc dù bị dẹp đuổi liên tục bởi lực lượng chức năng, nhưng vẫn mọc lên ngày một nhiều.
Chủ quán cóc tại vườn hoa trên phố Đào Duy Anh trải chiếu trên tường bao quanh vườn hoa gây mất mỹ quan. |
Đi qua tuyến phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa nhiều người không khỏi nhức mắt với dàn quán “cóc” trên vỉa hè bao quanh khu vực vườn hoa đối diện tòa nhà VCCI. Tại khu vực này từ sáng đến chiều tối hàng chục quán trà đá luôn nhộn nhịp. Tương tự, tại các tuyến phố có nhiều trường đại học như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Chùa Láng,... hay ven các hồ như hồ Láng Thượng, hồ Quang Trung… mật độ các quán "cóc" cũng khá dày đặc.
Xử lý mới chỉ “bắt cóc bỏ đĩa"
Nói đến quán “cóc” vỉa hè Hà Nội, có người còn cho đó là nét “văn hóa độc đáo” nên cứ để cho nó tồn tại. Tuy nhiên, trên thực tế nét văn hóa này đang làm nhếch nhác bộ mặt đô thị và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Thậm chí đây còn là tụ điểm phát sinh các tệ nạn xã hội như ma túy, số đề, mất an ninh trật tự... Để xây dựng một đời sống đô thị văn minh, hiện đại, nhiều người đồng tình quan điểm Hà Nội cần phải mạnh tay để dẹp bỏ loại hình kinh doanh buôn bán này.
Trên thực tế nhiều năm nay, từ khi triển khai Chỉ thị 01 của UBND TP về xây dựng “Năm trật tự và văn minh đô thị”, các phường trên địa bàn TP đã vào cuộc quyết liệt để lập lại trật tự vỉa hè, trong đó có việc dẹp bỏ các hàng rong, quán "cóc". Tuy nhiên, theo như phản ánh của lực lượng trực tiếp thực hiện công việc dẹp đuổi thì chỉ là “bắt cóc bỏ đĩa”, nguyên nhân do thiếu các giải pháp tổng thể, đồng bộ. Ông Nguyễn Hồng Hiển - Cảnh sát trật tự phường Láng Thượng cho biết, những người bán quán “cóc” ven hồ Láng Thượng chủ yếu có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, có những người là người nhà bệnh nhân đang nằm viện. Họ tranh thủ bán nước kiếm chút tiền giúp người thân chữa bệnh. Vì lý do này nên khi lực lượng chức năng đến thì họ chạy, đi khỏi họ lại bày bán. “Nếu đời sống của những trường hợp bán hàng rong, quán "cóc" được quan tâm hơn từ phía chính quyền, các ngành chức năng thì những quán hàng kiểu này chắc sẽ giảm” - ông Hiển nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Lộc - Phó Chủ tịch phường Phương Liên, quận Đống Đa cho rằng, ngoài việc nâng cao chế tài xử phạt, quan tâm tư vấn chuyển đổi ngành nghề cho những hộ bán hàng thì một trong những giải pháp căn cơ là công tác tuyên truyền. Tuyên truyền ở đây không chỉ với người bán mà còn cả đối với những người có thói quen ngồi quán vỉa hè. “Phải làm sao để người dân thấy được thói quen ngồi ăn, uống tại vỉa hè không còn phù hợp với sự phát triển; là hoạt động không thích hợp với những người sống tại một đô thị văn minh, lúc đó những “mụn cóc” vỉa hè mới mong được dẹp bỏ” - ông Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ.