Xuất khẩu hậu Covid-19: Doanh nghiệp rốt ráo lấy lại đà tăng trưởng
Kinhtedothi - Thời gian qua, dịch Covid-19 và việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa, nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm 30-40% so với thời điểm trước đó. Để lấy lại đà tăng trưởng, các DN đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Tận dụng thời cơ tăng tốc
Chia sẻ về giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh sau cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 lần thứ 4, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết, với ngành hàng tôm, hiện nay việc xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu gặp vô vàn khó khăn về vấn đề logistics dẫn đến rất ít khả năng tiếp cận kịp cơ hội tiêu dùng dịp Giáng sinh. Vì vậy, công ty đã quyết định chuyển trọng tâm sang các thị trường châu Á với thời gian vận chuyển ngắn, linh hoạt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu cho bà con để giúp phục hồi sớm chuỗi cung ứng, hy vọng sớm nhất là đầu năm 2022 khôi phục lại được việc cung cấp đơn hàng cho các thị trường lớn như Mỹ, EU.
Nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản. Ảnh minh họa |
Những ngày này, tại 18 nhà máy với 12.000 cán bộ, công nhân của Tổng công ty CP May 10 cũng đang nhộn nhịp không khí sản xuất. Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 Thân Đức Việt cho hay: “Ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, công ty đã tập trung cao nhất cho sản xuất, kinh doanh với nhiều giải pháp linh hoạt để hoàn thành và kịp tiến độ giao hàng các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với đối tác. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu những tháng cuối năm 2021, May 10 cũng tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, dự báo ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là đối tác chiến lược của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi nhanh chóng. Đây chính là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam phục hồi và tăng trưởng.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Tiến Lộc cho rằng, để nắm bắt cơ hội, DN phải thực sự tận dụng được thời cơ tăng tốc trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, thời điểm mở cửa lại cũng là thời điểm DN phải “chiến đấu” với muôn vàn khó khăn như: Thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi...
Vì vậy, ngay lúc này, DN xuất khẩu cần nhận được sự trợ lực từ Chính phủ về các chính sách hỗ trợ như: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ DN trả lương cho người lao động...
Thận trọng giao dịch, đa dạng thị trường
Thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, khó khăn vẫn ngổn ngang, song có cơ sở để các DN xuất khẩu kỳ vọng đạt kết quả tốt hơn. Đó là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu về cuối năm sẽ tăng cao; nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục; sản phẩm của Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín ở những thị trường khó tính... Do vậy, DN cần tận dụng tốt thời cơ này, tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được.
Nông sản là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tăng trưởng cao của Việt Nam. Ảnh minh họa |
Nhận định về những cơ hội đối với xuất khẩu hàng hóa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, những tháng cuối năm và trong thời gian tới, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khai thác hơn nữa tiềm năng khu vực thị trường nước ta đã ký Hiêp định thương mại tự do, bởi các quốc gia sẽ đẩy nhanh triển khai các biện pháp nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19 như cam kết mở cửa thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng, thuận lợi hóa thương mại. Vì vậy, ngay từ bây giờ, DN cần liên tục cập nhật thông tin về các chính sách, quy định của thị trường sở tại, đặc biệt là các yêu cầu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Các quy định, yêu cầu này có thể thay đổi nhanh, bất ngờ, tùy theo diễn biến và khả năng kiểm soát dịch Covid-19 của Chính phủ các nước. DN chủ động tiếp cận các thông tin này tại một số kênh thông tin chính thức của Bộ Công Thương như website Bộ Công Thương (www.moit.gov.vn), cổng thông tin thị trường nước ngoài (www.vietnamexport.com)...” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Một điều cần lưu ý nữa là, DN cần thiết phải xác thực thông tin đối tác tại nước sở tại bằng nhiều cách khác nhau để hạn chế các rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng và thanh toán. DN có thể liên hệ với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại để đề nghị hỗ trợ kiểm tra thông tin đối tác trước khi quyết định ký hợp đồng hoặc thực hiện các giao dịch.
Các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo, trong bối cảnh gần đây một số nước đã gia tăng áp dụng các rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại để hỗ trợ khôi phục sản xuất trong và sau đại dịch. Do đó, các DN cần chủ động nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác để có kế hoạch sản xuất phù hợp. Mặt khác, triển khai kế hoạch đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế, không để phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Với vai trò chủ trì, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, DN nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu hàng hóa và triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Bộ NN&PTNT đang phối hợp các địa phương rà soát, nắm chắc số lượng, chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để tự cân đối nhu cầu tại chỗ; đồng thời, cập nhật thường xuyên nhu cầu nhập khẩu của các thị trường để đưa ra khuyến cáo, định hướng chính sách cho người sản xuất, xuất khẩu nhằm cân đối, bảo đảm hàng hóa xuất khẩu chất lượng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan |