Chưa bền vữngViệt Nam đang nổi lên là một quốc gia xuất khẩu nông sản quan trọng của thế giới khi giá trị kim ngạch nông sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Có thể thấy, kết quả trên ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển thị trường, song chưa thể mừng vì xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa bền vững. Câu chuyện hàng nghìn xe container chở hàng hóa nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu các tỉnh phía Bắc vẫn đang “nóng” nhiều ngày nay càng dấy lên nỗi lo xuất khẩu nông sản vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường tỷ dân này.
Trước tình hình đó, ngày 26/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phó Thủ tướng đã yêu cầu DN không đưa thêm hàng lên cửa khẩu, các bộ, ngành tích cực làm việc với Trung Quốc để giải phóng sớm nhất lượng xe ùn ứ.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT ngày 29/12. Ảnh: Chinhphu.vn |
Hiện tại, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực vào cuộc gỡ khó. Đơn cử như Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao đã lên kế hoạch đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Để thúc đẩy thông quan, một mặt Bộ chỉ đạo Thương vụ Việt Nam và các Tham tán thương mại tại Trung Quốc kịp thời nắm thông tin để cung cấp, cập nhật thường xuyên về các quy định, yêu cầu của phía nước bạn đối với hàng nông sản xuất khẩu. Mặt khác, Bộ tích cực khuyến cáo các DN chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, để không chỉ đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc, mà còn mở rộng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khác.
Trong ngày 29/12, Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã hội đàm với Hải quan Nam Ninh của Trung Quốc về việc tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản qua biên giới đang bị tắc nghẽn. Về phía tỉnh Lạng Sơn cũng đang khẩn trương chuẩn bị thiết lập “vùng đệm an toàn” trong phòng, chống dịch tại các cửa khẩu, nhằm đáp ứng chính sách “Zero covid” của các cơ quan hữu quan bên phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện được đánh giá là không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề ùn ứ nông sản tại cửa khẩu hay nói rộng ra Việt Nam vẫn ở thế bị động mỗi khi Trung Quốc thực hiện đóng - mở cửa khẩu. Phân tích về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy lý giải, hiện nay Việt Nam mới chỉ có 9 loại nông sản (thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt) được ký Nghị định thư về nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó, do số lượng sản phẩm được xuất chính ngạch còn hạn chế và việc xuất khẩu tiểu ngạch được Trung Quốc tạo điều kiện giảm thuế quan đã khiến DN Việt Nam không mặn mà với xuất khẩu chính ngạch. Thực tế, hiện nay chỉ có khoảng 3% DN Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Chuyển mạnh chính ngạch, đa dạng hóa thị trườngĐánh giá về tình hình xuất khẩu nông sản năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, mặc dù xuất khẩu nông sản vượt mục tiêu kế hoạch, song bài toán tiêu thụ vẫn là vấn đề lớn. Đáng nói là các mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản. Nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Bên cạnh đó, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, tình trạng ùn ứ nông sản thời gian qua đặt ra bài toán cần phải có một tổ hợp có chức năng là chợ đầu mối thực hiện giao dịch, tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng là điều kiện cần thiết để năng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Nếu không có một trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản đa chức năng dễ dẫn đến tình trạng càng sản xuất, càng rủi ro lớn do hàng hoá bị ùn ứ như đang diễn ra tại các cửa khẩu. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung này” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
|
Chế biến, sơ chế hoa quả để giữ được sản phẩm tươi ngon ngay sau khi thu hoạch là yêu cầu căn bản cho xuất khẩu nông sản. Ảnh: TTXVN |
Đưa ra các giải pháp căn cơ bền vững cho xuất khẩu nông sản, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ngành nông nghiệp cần tập trung nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Cần xác định rõ từng thị trường xuất khẩu trước khi tiếp cận, mở cửa thị trường để từ đó đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong sản xuất. Về lâu dài, muốn xuất khẩu bền vững, thì nông sản Việt Nam phải khẳng định được thương hiệu trên trường quốc tế. Và để làm được điều này, Bộ NN&PTNT cần tăng cường phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.
Tại Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ NN&PTNT cần đa dạng hoá thị trường, thúc đẩy xây dựng nhiều sản phẩm quốc gia, quốc tế trên cơ sở nâng cao chất lượng và thương hiệu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tiếp tục khai thác tối đa 17 hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy xuất khẩu. Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiến tới cần sản xuất hàng hoá phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Việc chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch cần thực hiện bài bản theo lộ trình. Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần tiếp tục cải thiện mối quan hệ giao thương với Trung Quốc và các quốc gia khác để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, giải quyết bài toán ùn ứ nông sản thời gian qua.
"Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trụ đỡ mà đứng yên thì đất nước thụt lùi. Do đó, Bộ NN&PTNT cần đặt ra mục tiêu cao hơn để nỗ lực nhiều hơn. Tăng trưởng năm 2022 cần phấn đấu đạt từ 3% trở lên, xuất khẩu cũng phải đạt hơn 50 tỷ USD. Bộ NN&PTNT phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tầm dự báo chiến lược, kịp thời hơn, chính xác hơn. Việc tổ chức thực hiện cũng phải thiết thực, hiệu quả và mang lại giá trị gia tăng cao hơn..." - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |